Liệu đây có phải là cứu cánh của báo chí trong thời điểm hiện nay và cả về sau?
Đua nhau tổ chức sự kiện
Giữa tháng 4/2022, Giải “Vô địch Golf Quốc gia” lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Phòng, quy tụ 160 golfer nổi tiếng, tổng cơ cấu giải thưởng 1,2 tỷ đồng…
Trao Cúp cho hai nhà Vô địch giải Vô địch Golf Quốc gia 2022 – sự kiện do Báo Tiền phong tổ chức
Cũng trong khuôn khổ giải Vô địch Golf Quốc gia diễn ra hai hội thảo liên quan đến đầu tư du lịch và quy hoạch của địa phương, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.
Đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, cách tạo ra nguồn thu như thế nào để không xung đột với đạo đức nghề nghiệp là một câu hỏi không dễ trả lời.
Ở nhiều nước, các báo sẽ thành lập một bộ phận, thậm chí một công ty để phát triển nguồn thu cho tờ báo. Nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ lớn các phóng viên vẫn trực tiếp mời gọi quảng cáo, truyền thông. Như vậy khi cần phản biện hay phanh phui sự thật liên quan đến đối tác quảng cáo sẽ không còn khách quan.
Để hạn chế tình trạng này, tờ báo nên có bộ phận riêng phát triển doanh thu, tách bạch, độc lập với bộ phận phát triển nội dung. Bên cạnh đó cũng cần đến bản lĩnh, trách nhiệm của tòa soạn, đặc biệt là người đứng đầu.
Nhà báo Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT
Giải Golf và chuỗi hội thảo quy mô trên do Báo Tiền phong làm Trưởng ban tổ chức. Ông Phùng Công Sưởng, Phó tổng biên tập Báo Tiền phong cho biết, được khởi xướng từ 17 năm về trước, năm 2021, Báo Tiền phong quyết định đưa giải Golf lên một tầm vóc quốc gia, chuyên nghiệp hơn.
Và đây cũng chỉ là một trong nhiều sự kiện Báo Tiền phong tổ chức thành công, như: Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Giải Chạy Marathon Quốc gia cự ly dài, Giải Siêu cup bóng đá Quốc gia…
Cùng với Tiền phong, một số cơ quan báo chí cũng ghi dấu ấn trong nhiều sự kiện mang tầm vóc quốc gia, thậm chí quốc tế.
Điển hình như sự kiện ông chủ Tập đoàn Alibaba Jack Ma đến Việt Nam hồi tháng 11/2018, do Báo Điện tử VnExpress tổ chức.
Ông Trọng Nghiệp, Ủy viên Hội đồng Biên tập VnExpress nhớ lại, Ban tổ chức mất 3 tháng để chuẩn bị, bởi phía Alibaba đưa ra nhiều nguyên tắc rất khắt khe.
Những năm gần đây, công chúng cũng quen với việc nhiều cơ quan báo chí khởi xướng, tổ chức các sự kiện đình đám, hoạt động trước đó vốn thuộc thế mạnh và thị phần của các công ty truyền thông.
Trong đó, phải kể đến Diễn đàn Kinh tế Tư nhân do VnExpress phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức (tháng 5/2019) với sự tham gia của hơn 10.000 người; Báo Đầu tư với Diễn đàn Mua bán sáp nhập Doanh nghiệp, Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp…
Bên cạnh mảng sự kiện, một số tờ báo còn trực tiếp, gián tiếp bán hàng như: Dân Việt thường xuyên tổ chức các mô hình bán hàng nông sản; Báo Điện tử VTCnews bán thực phẩm chức năng, VnExpress có Shop VnExpress cho thuê gian hàng như một sàn thương mại điện tử...
Tổ chức sự kiện: Không chỉ gặt hái nguồn thu
Ông chủ Tập đoàn Alibaba Jack Ma đến Việt Nam hồi tháng 11/2018 do Báo Điện tử VnExpress tổ chức
Theo tìm hiểu, với Tiền phong, tỷ trọng đóng góp từ tổ chức sự kiện vào doanh thu hiện dao động trong khoảng 30 - 40%; với VnExpress từ 20 - 25%...
Như với sự kiện Jack Ma đến Việt Nam, chỉ riêng từ bán vé cho hơn 1.000 người tham dự đã giúp VnExpress thu về hơn 500 triệu đồng, chưa kể các khoản tài trợ.
Hay giải VnExpress Marathon, bên cạnh nguồn thu từ tài trợ, bán vé, VnExpress còn bán được hàng vạn bức ảnh cho các vận động viên…
Phó Tổng biên tập Báo Tiền phong Phùng Công Sưởng cho rằng, tờ báo vừa là cơ quan sự nghiệp có thu nhưng cũng có sự vận hành giống như một doanh nghiệp.
Chỉ có điều doanh nghiệp được kinh doanh những điều mà luật pháp không cấm, còn báo chí thì chỉ được hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích.
Tuy nhiên, có nhiều cơ chế như liên doanh, liên kết để báo chí có cơ chế linh hoạt tạo ra nguồn thu, từ đó quay lại đầu tư cho chất lượng nội dung tờ báo.
Tại Báo Tiền phong, nhiều sự kiện đã hình thành và định vị được tên tuổi từ lâu. Như giải chạy Việt dã của báo đã được 63 năm lịch sử (năm 1959); Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hay Giải Siêu cup bóng đá đều từ năm 1988…
Tuy nhiên, trước sự dịch chuyển của thời cuộc, những năm gần đây, Tiền phong đã nắm bắt cơ hội, thay đổi mô hình tổ chức, cách thức tổ chức để nâng cấp chất lượng, hiệu quả cho những sự kiện nói trên, đồng thời phát triển thành những hoạt động có thu.
Những sự kiện đó trước đây chỉ có vài trăm đến một vài nghìn người tham dự thì bây giờ đã thu hút 5 - 7 nghìn người và mang lại nhiều giá trị khác, không chỉ dừng ở một giải đấu thể thao hay cuộc thi nhan sắc.
“Trên thị trường hiện nay nhiều công ty truyền thông có thị phần rất lớn. Tại sao những tờ báo có sẵn thế mạnh lại không tham gia?”, ông Sưởng đặt vấn đề.
Không chỉ giúp mở rộng nguồn thu, việc tổ chức sự kiện còn giúp các cơ quan báo chí “gặt hái” nhiều giá trị thặng dư.
Ông Trọng Nghiệp cũng chia sẻ: “Chúng tôi rất nhiều năm không biết độc giả của mình là ai. Nhưng qua những event báo tổ chức, chúng tôi không chỉ được gặp trực tiếp độc giả, mà còn cảm nhận được thói quen, phong thái, cảm xúc của họ. Điều đó sẽ giúp chúng tôi hoàn thiện thêm cho mô hình VnExpress”.
Với Báo Đầu tư, Tổng biên tập Lê Trọng Minh cho rằng: “Khi tờ báo mở rộng sân chơi thì không gian để mọi người tác nghiệp cũng rộng mở. Như ở Đầu tư, mọi người đều rất hăng hái khi có sự đổi mới, hăng hái được thi thố”.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Chương trình Chung tay tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) do Báo Dân Việt phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tổ chức năm 2021
Để ghi được dấu ấn với những sự kiện thu hút sự quan tâm của công chúng như Tiền phong, VnExpress, Báo Đầu tư… đã tổ chức, các cơ quan báo chí cũng phải trải qua không ít khó khăn, thử thách.
Ông Trọng Nghiệp nhớ về những ngày “khởi đầu nan” ấy: “Còn nhớ, sự kiện đầu tiên chúng tôi làm là “Bình chọn các Startup”. Sự kiện được tổ chức trong một không gian rất nhỏ, tận dụng mọi thứ “của nhà trồng được”.
Đến năm thứ 2, lãnh đạo quyết định đi thuê địa điểm chuyên nghiệp hơn, quy mô sự kiện đã tăng gấp 10 lần; thành công cả về công tác tổ chức, doanh thu…”.
“Thừa thắng xông lên”, VnExpress đã tổ chức sự kiện Jack Ma đến Việt Nam, rồi tới Diễn đàn Kinh tế tư nhân, giải Marathon thường niên. Trong năm 2021, VnExpress đã tổ chức khoảng 50 sự kiện và dự kiến năm 2022 khoảng 100 sự kiện… Riêng giải chạy đóng góp 50 - 60% doanh thu từ mảng sự kiện.
Với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động dịch vụ này, VnExpress đã quyết định thành lập “Phòng sự kiện” với 30 nhân sự.
Cũng chung hướng đi, ông Phùng Công Sưởng cho biết, Tiền phong đang tiến tới thành lập một bộ phận chuyên tổ chức sự kiện thay vì huy động “anh em trong nhà” như cách làm bấy lâu.
Trong khi đó, Báo Đầu tư vẫn giữ cách làm “truyền thống”, tận dụng nguồn lực, tiết kiệm chi phí và nâng cao kỹ năng cho các phóng viên.
Dù đã “dắt được lưng vốn” kha khá về thị trường, đối tác cũng như kinh nghiệm tổ chức, song các cơ quan báo chí cũng chia sẻ, để đẩy mạnh mảng sự kiện nói riêng cũng như mở rộng doanh thu nói chung không đơn giản.
Theo ông Phùng Công Sưởng, nguồn lực tài chính và kinh nghiệm của các cơ quan báo chí khi tham gia các sự kiện còn tương đối yếu.
“Tuy nhiên, nếu chúng ta đã nhìn được hướng phát triển tất yếu, quyết tâm làm và đeo đuổi, chúng ta sẽ làm được, làm tốt”, ông Sưởng nhận định.
Trong khi đó, ông Lê Trọng Minh chia sẻ: “Những gì một số cơ quan báo chí đã và đang làm, so với tiềm năng thị trường vẫn còn rất thấp. Chúng ta có 1 triệu doanh nghiệp trong nước, mấy trăm nghìn doanh nghiệp nước ngoài mà chỉ thu hút được vài chục nghìn người mỗi sự kiện thì chưa ăn thua”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận