Vốn Trung Quốc tăng tốc đổ vào Việt Nam
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT, tính đến ngày 20/2, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 32,3%), ghi dấu tháng thứ 2 liên tiếp giữ “ngai vàng” đầu tư vào Việt Nam. Điều này đang tạo dấu ấn rõ nét đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam trong năm 2024.
Hiện nước này đứng thứ 6 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký lũy kế đến hết năm 2023 là gần 27,479 tỷ USD.
Đặc biệt, chỉ trong năm 2023, tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam đạt 4,47 tỷ USD, đứng thứ 4 trong tổng số nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam xét trên vốn đăng ký.
Ngoài những lĩnh vực quen thuộc như nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng, trong thời gian qua, các nhà đầu tư Trung Quốc còn mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo khác như: Điện tử, sản xuất lôp, dệt may, da giày, điện…
Đơn cử như trong năm 2023, Tập đoàn sản xuất tấm quang năng Jinko Solar Holding của Trung Quốc đã rót 1,5 tỷ USD đầu tư vào dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện tại Quảng Ninh. Hay như Tập đoàn Runergy xây nhà máy vật liệu bán dẫn 293 triệu USD ở Nghệ An. Tập đoàn BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc, cũng đã đầu tư 269 triệu USD vào dự án về linh kiện ô tô tại tỉnh Phú Thọ...
Cơ hội xoay chuyển cán cân thương mại
Đánh giá về thu hút FDI từ Trung Quốc thời gian qua, ông Ngô Nghị Cương, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư C+, đơn vị trực tiếp làm việc với gần 200 nhà đầu tư lớn nhỏ từ Trung Quốc quan tâm việc đầu tư tại Việt Nam cho rằng, giống như các nguồn vốn đầu tư nước ngoài khác, khi dòng vốn FDI Trung Quốc tăng cao sẽ mang lại những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đó là, các doanh nghiệp trong nước có thêm cơ hội cung cấp hàng hóa dịch vụ, điển hình như ngành xây dựng, logistics, cung ứng lao động và các ngành dịch vụ đi kèm. Ngành bất động sản công nghiệp cũng có thêm dư địa phát triển do nhu cầu nhà xưởng và kho bãi tăng cao. Các doanh nghiệp trong nước từ đó cũng có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI Trung Quốc, đặc biệt với những doanh nghiệp đang có hàng xuất đi Mỹ, châu Âu.
Mặt khác, khi có nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn của Trung Quốc sang đầu tư, cơ hội tiếp cận công nghệ, máy móc thiết bị, nguồn nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp trong nước sẽ rộng mở hơn.
Đặc biệt, trong nhiều năm, cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc luôn âm, cụ thể như 2022 kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc gấp đôi kinh ngạch xuất khẩu chiều ngược lại. Nay, các doanh nghiệp trong nước có thể trực tiếp tiếp cận các nhà sản xuất Trung Quốc ngay tại chỗ và mua hàng. Điều này sẽ tạo cơ hội xoay chuyển cán cân thương mại.
Ông Cương nhận định, dòng vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam xuất phát từ nhu cầu đầu tư ra bên ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có yếu tố của sự dịch chuyển sản xuất do tình hình địa chính trị thay đổi.
Theo ông, nếu so với Thái Lan và Malaysia - nơi cộng đồng doanh nhân gốc Hoa cũng đáng kể và có ảnh hưởng nhất định thì Việt Nam ổn định hơn về mặt chính trị - xã hội. So với Lào - quốc gia láng giềng khác của Trung Quốc thì Việt Nam hoàn toàn vượt trội về nguồn nhân lực và năng suất lao động.
So với Campuchia - nơi Trung Quốc tăng cường sự hiện diện bằng dòng vốn ODA thì Việt Nam hấp dẫn hơn về môi trường đầu tư, sinh sống, và chuỗi cung ứng.
Mặt khác, nếu xét về độ mở thị trường và tính hội nhập quốc tế thì Việt Nam hoàn toàn là một nơi hấp dẫn vượt trội hơn các quốc gia Đông Nam Á khác.
"Việc các nhà đầu tư Trung Quốc cần thiết lập nhà máy bên ngoài Trung Quốc bắt nguồn từ xung đột thương mại Mỹ - Trung những năm gần đây", ông Cương nói và cho rằng giao thương và lưu chuyển hàng hóa qua lại với Việt Nam thuận lợi do hai quốc gia có chung đường biên giới dài..., chính là điểm thu hút FDI từ Trung Quốc trong sự dịch chuyển này.
Đâu là thách thức?
Tuy nhiên, ông Cường nói rằng, thách thức sẽ nhiều hơn thuận lợi. Bởi lẽ, Trung Quốc đã thành công trong việc phát triển thành "công xưởng của thế giới". Chi phí giá thành trên một đơn vị sản xuất của họ sản xuất ra rất cạnh tranh. Đồng nghĩa rằng, năng lực sản xuất, công nghệ, và máy móc thiết bị của các doanh nghiệp Trung Quốc đã đi xa hơn các doanh nghiệp Việt Nam vốn khó khăn về vốn và thiếu đầu tư vào nghiên cứu phát triển.
Thách thức khác là khả năng bị các doanh nghiệp FDI Trung Quốc chiếm mất thị phần trong nước là có. Khi họ tăng năng lực sản xuất và khai thác thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước sẽ bị cạnh tranh.
Mặt khác, làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam sẽ gây rủi ro cho một số ngành hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ của Việt Nam khi bị "vạ lây" điều tra hay bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại… khi có những hàng hóa xuất đi bị các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa như đã từng có cảnh báo với các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận