Điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo được khuyến khích
Bộ kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) đánh giá 2023 là năm đạt được kết quả khá ấn tượng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư FDI đăng ký đạt mức cao kỷ lục 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022.
Năm qua, vốn FDI giải ngân cũng đạt kết quả ấn tượng với 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay.
Đến tháng 1/2024, Việt Nam thu hút được 39.377 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 471,9 tỷ USD đến từ 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với kết quả trên, Bộ KH&ĐT cho rằng Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của "ông lớn" FDI trong năm 2024. Theo đó, lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng tái tạo, kinh tế số… sẽ là những lĩnh vực Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Định hướng thu hút FDI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Cùng với đó là ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bộ KH&ĐT sẽ thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu, xây dựng các kế hoạch, giải pháp mang tính đột phá để góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư tiềm năng, an toàn và hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài", ông Dũng nói.
Việt Nam sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu
Riêng với lĩnh vực bán dẫn, nhiều tập đoàn lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor…
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói rằng Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
Việt Nam đã và đang chuẩn bị cho làn sóng này bằng việc xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn đến năm 2023; đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.
Vừa qua, Quốc hội cũng đã ra nghị quyết, giao Chính phủ xây dựng nghị định thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó công nghiệp bán dẫn, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024.
Bộ KH&ĐT khai trương Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã ký hợp tác với hai tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chip là Sypnosyps và Cadence; phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận