Nhiều cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống
Ngày 7/6, liên quan đến vụ án Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, bắt và khám xét đối với các ông:
Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự;
Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự.
Ông Chu Ngọc Anh (bìa trái ảnh) và ông Nguyễn Thanh Long (bìa phải ảnh) vừa bị kỷ luật vì suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
Ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc đã có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.
Ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương Kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Trước đó, ngày 4/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và nhận thấy: Các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Y tế.
Sau đó, các ông Chu Ngọc Anh; Nguyễn Thanh Long; Phạm Công Tạc đã bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng.
Sáng 7/6, Quốc hội bỏ phiếu kín thực hiện quy trình bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long. Cùng ngày, ông Chu Ngọc Anh bị HĐND TP Hà Nội bãi nhiệm chức danh Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Thời gian qua, đã có những cán bộ, đảng viên bị kỷ luật vì suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Cuối năm 2021, ông Lê Hùng Sơn, cựu Bí thư Huyện ủy Cô Tô (Quảng Ninh) đã bị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng. Bên cạnh một số vi phạm, Ban Bí thư đã nêu rõ ông Lê Hùng Sơn thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, sống buông thả.
Tháng 10/2021, Ban Bí thư cũng đã thi hành kỷ luật các tướng lĩnh thuộc lực lượng Cảnh sát biển. Trong đó, Ban Bí thư nhận thấy Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, cựu Tư lệnh; Trung tướng Hoàng Văn Đồng, cựu Chính ủy; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, cựu Phó Chính ủy Cảnh sát biển đều suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Sau khi bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, vào tháng 4/2022, các vị tướng kể trên đều bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "Tham ô tài sản".
Tháng 3/2022, Đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Kiên Giang bị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình khai trừ khỏi Đảng. Bên cạnh các vi phạm pháp luật, nhận hối lộ, ông Nguyễn Thế Anh cũng bị Ban Bí thư nhận xét là "suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống".
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị là nguy hiểm khôn lường
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, hàng loạt cán bộ vừa qua bị kỷ luật vì suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống để cho thấy việc bổ sung thêm nhiệm vụ phòng chống tiêu cực vào Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng của Đảng ta trong thời gian qua là hết sức đúng và trúng.
"Không phải Đảng ta đến bây giờ mới nhận diện được những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và cũng không phải đến bây giờ Đảng ta mới nhận thức được tác hại và hệ lụy của nó đối với sinh mệnh chính trị, nguy cơ sống còn của Đảng.
Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng, nhất là từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên luôn được nhắc đến như những ung nhọt trong cơ thể Đảng và là nỗi trăn trở của toàn Đảng và nhân dân ta", ông Túc nói.
Theo ông Nguyễn Túc, tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đều là những biểu hiện tiêu cực, thường gắn liền với nhau. Trong đó, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là căn nguyên dẫn đến tham nhũng và ngược lại, tham nhũng sẽ làm cho suy thoái ngày càng trầm trọng hơn.
Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường.
"Tôi cho rằng, việc Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận diện kịp thời những mối nguy cơ của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên là rất cần thiết. Cùng với đó, là việc xử lý nghiêm minh các cán bộ, đảng viên mắc sai phạm, khuyết điểm trong thời gian qua đã lấy lại niềm tin của nhân dân, và từ đó nhân dân cũng đặt trọn niềm tin vào Đảng", ông Túc nói.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII năm 2016, có nêu rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Suy thoái về tư tưởng chính trị biểu hiện như: Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao…
Còn suy thoái về đạo đức lối sống, biểu hiện như: Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.
Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận