Y tế

Khi nào cần xét nghiệm ung thư cổ tử cung?

02/03/2023, 13:32

Khi thấy xuất huyết âm đạo bất thường mà không phải là ngày kinh nguyệt hoặc chu kỳ kinh nguyệt quá lâu, kéo dài hơn 7 ngày...

Hỏi:

Tôi năm nay 22 tuổi, mới lập gia đình. Tôi nghe nói nhiều về ung thư cổ tử cung, vậy khi nào cần làm xét nghiệm để sàng lọc căn bệnh này, mong bác sĩ tư vấn?

Nguyễn Hoài (Hà Nội)

BS. Dương Ngọc Vân, chuyên khoa Sản, BV Đa khoa Medlatec trả lời:

img

Ba giai đoạn bệnh ung thu cổ tử cung (ảnh minh họa)

Nữ giới đang trong độ tuổi sinh sản từ 21 tuổi trở lên cần thực hiện xét nghiệm ung thư cổ tử cung định kỳ.

Tuy nhiên, nếu cơ thể có những biểu hiện nghi ngờ bệnh thì chị em nên thực hiện kiểm tra sớm hơn, không cần chờ đến lịch thăm khám, xét nghiệm định kỳ.

Cụ thể: Khi thấy xuất huyết âm đạo bất thường mà không phải là ngày kinh nguyệt hoặc chu kỳ kinh nguyệt quá lâu, kéo dài hơn 7 ngày; Khí hư âm đạo có những biểu hiện bất thường như có màu vàng, lẫn máu, xuất hiện dịch nhầy hoặc kèm theo mùi hôi, rất khó chịu; Sụt cân không rõ nguyên nhân; Đau vùng bụng dưới; Tiểu nhiều lần hoặc đau khi đi tiểu…

Đây có thể là những biểu hiện sớm của bệnh ung thư cổ tử cung nhưng cũng có thể là triệu chứng của các bệnh lý phụ khoa khác.

Lời khuyên tốt nhất cho chị em là hãy đi thăm khám để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh sớm để bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng sống.

Hiện có nhiều phương pháp xét nghiệm ung thư cổ tử cung, điển hình như phương pháp PAP Smear hoặc Thinprep, có thể phát hiện bệnh từ rất sớm, trước khi hình thành những khối u và lây lan sang những vùng lân cận. Hoặc xét nghiệm HPV DNA, sử dụng các loại máy móc hiện đại để tách chiết DNA tự động, tìm virus HPV.

Tuy rằng nhiễm HPV không có nghĩa là ung thư cổ tử cung nhưng việc phát hiện sự tồn tại của virus trong cơ thể phụ nữ sẽ giúp bác sĩ đánh giá được nguy cơ mắc bệnh và có những phương pháp phòng ngừa hiệu quả.

Chiến lược tầm soát ung thư cổ tử cung cần lưu ý: Đối với phụ nữ dưới 21 tuổi, khuyến cáo nên tiêm phòng vaccine HPV.

Phụ nữ từ 21-29 tuổi cần thực hiện xét nghiệm HPV mỗi 3 năm. Trong trường hợp, HPV dương tính với type 16 hoặc 18 cần thực hiện soi cổ tử cung và sinh thiết nếu cần thiết.

Nếu HPV dương tính với 1 trong 12 type có nguy cơ cao thì cần thực hiện thêm xét nghiệm PAP. Nếu PAP dương tính cần thực hiện soi cổ tử cung. Nếu PAP âm tính thì thực hiện xét nghiệm lại HPV sau 1 năm.

Phụ nữ từ 30-65 tuổi nên xét nghiệm PAP mỗi 3 năm hoặc xét nghiệm PAP và HPV mỗi năm 5 hoặc xét nghiệm HPV mỗi 5 năm.

Phụ nữ trên 65 tuổi, không tiếp tục tầm soát nếu đã tuân thủ sàng lọc trước đó. Còn phụ nữ có tổn thương nội biểu mô cổ tử cung độ 2 trở lên cần tiếp tục tầm soát trong ít nhất 20 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.