Một trong những chiếc máy bay Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên- Huế đang trưng bày trong không gian ngoài trời trong khuôn viên "mượn" của di tích Quốc tử giám triều Nguyễn |
Ngày 10/12, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, các máy báy, xe tăng trưng bày ngoài trời tại địa điểm được “bố trí tạm” trong khuôn viên Quốc Tử giám triều Nguyễn, cùng gần 30.000 hiện vật Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế đang bảo quản dự kiến sẽ được chuyển đến số 268 Điện Biên Phủ (TP Huế) trong năm 2019.
Ông Dũng cho biết, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, sau đó đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng (năm 2015) và nay là Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên- Huế được bố trí tạm tại Quốc tử giám triều Nguyễn (đường 23 tháng 8, phường Thuận Thành, TP Huế). Đây là di tích trong hệ thống quần thể di tích Cố đô Huế.
Việc lựa chọn, tìm vị trí để xây dựng Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế đã được đề ra trong nghị quyết của Tỉnh ủy. Ngày 17/4/2013, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết phê duyệt quy hoạch thiết chế văn hóa tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó phấn đấu giai đoạn 2013- 2020 đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên- Huế. Người đứng đầu ngành VH&TT tỉnh cho biết, sau khi làm việc với Bộ Quốc phòng, ngày 13/9/2016 UBND tỉnh đã văn bản số 5514 gửi Bộ Quốc phòng đề nghị bàn giao cho tỉnh phần khu đất tại địa chỉ 268 đường Điện Biên Phủ (hiện cho Tiểu đoàn 19 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý) để làm Bảo tàng lịch sử. Sau đó, Bộ Quốc phòng đã có văn bản gửi Chính phủ và thống nhất bàn giao khu đất này cho tỉnh.
Ngày 28/3/2017, Chính phủ đã có văn bản số 434 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký gửi Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế về việc đồng ý điều chuyển tài sản khu nhà và đất ở trên mảnh đất 268 Điện Biên Phủ sang cho UBND tỉnh quản lý và sử dụng. Ngày 25/5/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định giao đất với tổng diện tích 7.500 m2 cho Sở Văn hóa và Thể thao để hình thành Bảo tàng lịch sử tỉnh.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã có văn bản thống nhất chủ trương đầu tư doanh trại Tiểu đoàn huấn luyện cơ động Bộ đội Biên phòng tỉnh tại thôn Hải Cát (xã Hương Thọ, TX Hương Trà).
Ông Phan Tiến Dũng cho biết, năm 2019 máy bay, xe tăng cùng 30.000 tài liệu, hiện vật Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên- Huế đang "ở tạm" sẽ được chuyển đến 268 Điện Biên Phủ (TP Huế) |
“Việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử là nhiệm vụ đặt ra qua nhiều kỳ Đại hội Đảng và qua nhiều khóa HĐND tỉnh. Với việc đầu tư Bảo tàng Lịch sử về nơi mới, sẽ hình thành các thiết chế văn hóa phù hợp, đảm bảo công tác trưng bày, bảo quản hiện vật và thuận lợi cho nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của nhân dân, tạo nên sản phẩm du lịch gần Đàn Nam Giao và các khu lăng tẩm, đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, còn tạo thêm điểm nhấn mới về kiến trúc cảnh quan đô thị. Việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử về nơi mới cũng sẽ tạo điều kiện để trả lại không gian và mở rộng phạm vi trưng bày cho Bảo tàng cổ vật và cung đình Huế, thuộc quần thể di tích cố đô”, ông Dũng cho hay.
Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở VH&TT phối hợp với các Sở liên quan tiến hành khảo sát cơ sở vật chất hiện có, khẩn trương triển khai lập dự án đầu tư Bảo tàng Lịch sử về nơi mới, đồng thời làm các phương án trưng bày Bảo tàng Lịch sử và phù hợp với không gian tại địa điểm 268 Điện Biên Phủ.
“Theo kế hoạch năm 2019 sẽ đưa bảo tàng vào hoạt động, Sở VH&TT đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thống nhất lộ trình, thời gian bàn giao thực tế và sau khi Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng Doanh trại tại Hương Thọ”, ông Dũng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế cũng cho biết, trong khi chờ di chuyển về nơi mới, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên- Huế vẫn mở cửa và tổ chức các hoạt động như trưng bày, sư tầm, bảo quản hiện vật, triển lãm chuyển đề, trong đó có các hoạt động liên kết với các bảo tàng trong nước để tổ chức trưng bày trong Festival Huế 2018.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận