Kỹ thuật quét vôi truyền thống pha với than bùn được thực hiện phổ biến trong quá trình tu sửa di tích ở Việt Nam |
Những ngày gần đây, du khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã hết sức ngỡ ngàng khi một số hạng mục trong khu di tích này được quét vôi mới.
Nhiều người cho rằng, việc quét vôi mới này đã làm mất đi nét cổ kính vốn có của trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Thậm chí, có người còn cho rằng, việc làm này đã xâm phạm nghiêm trọng đến Di tích quốc gia đặc biệt này.
Trả lời trước những thắc mắc này, ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, ít nhất 3 năm gần đây hệ thống tường rào xung quanh di tích, tường nhà các khu vực… không được vệ sinh định kỳ nên bong tróc, rêu phủ lớp dày. Ngoài ra, nhà Bái đường cũng gần 20 năm chưa vệ sinh cấu kiện nên nấm mốc, mọt. Du khách đến đây và phản ánh “tại sao Ban quản lý lại để di tích Văn Miếu như thế” – ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.
Chính vì vậy, Trung tâm Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã mời Trung tâm kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích (thuộc Viện Bảo tồn di tích) vào khảo sát và tư vấn vệ sinh ngay cấu kiện và quét vôi trang trí lại lên những tường bị rêu bao phủ để tránh tình trạng xuống cấp. Trung tâm đã báo cáo thực trạng lên Sở VH&TT Hà Nội, sau đó Sở tiếp tục xin ý kiến và được sự đồng ý của UBND TP cho chủ trương vệ sinh cấu kiện gỗ có sơn son thiếp bạc, phủ hoàn kim tại Bái đường, hậu cung khu Văn Miếu…
“Trung tâm làm đúng quy trình tu bổ di tích Văn Miếu phải đúng quy trình, chúng tôi không thể tự ý làm” – ông Kiêu nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định kỹ thuật quét vôi truyền thống pha với than bùn đang được thực hiện phổ biến trong quá trình tu sửa di tích ở Việt Nam. Cụ thể như đền Ngọc Sơn năm nào cũng thực hiện kỹ thuật này để tu sửa.
Hơn nữa, vì kỹ thuật này không sử dụng hóa chất nên chỉ cần qua Tết Nguyên đán Đinh Dậu - 2017 màu xám trắng sẽ trầm thêm xuống và có thể lại mốc rêu trở lại. Thế nên, từ nay việc quét sửa tường và các mục phụ này sẽ diễn ra hàng năm ở Văn Miếu. Không sử dụng nguồn vốn Nhà nước trong quá trình tu sửa lần này mà là nguồn tiền ngân sách của Văn Miếu được trích lại từ quá trình bán vé tham quan của di tích.
GSTS.KH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, việc quét vôi mới cho Văn Miếu đã được báo cáo cơ quan chủ quản, các nhà khoa học.
“Việc quét vôi để bảo vệ tường, tránh bị bong tróc, phản cảm… Thêm nữa, việc trùng tu bằng vôi chứ không phải sơn, nên một thời gian sau, màu sẽ trở lại như cũ", ông Giang nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận