Xã hội hóa đầu tư nói chung và chuyển nhượng dự án hạ tầng giao thông nói riêng đã trở nên rõ ràng và minh bạch hơn. |
Kể từ khi Nghị định 15 có hiệu lực và đi vào cuộc sống, vấn đề hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho việc thực hiện xã hội hóa đầu tư nói chung và chuyển nhượng dự án hạ tầng giao thông nói riêng đã trở nên rõ ràng và minh bạch hơn.
Những năm vừa qua, rất nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện thành công việc chuyển nhượng quyền khai thác các dự án hạ tầng giao thông. Đây được xem là hình thức hiệu quả nhất để huy động nguồn lực tư nhân, lựa chọn được nhà đầu tư thích hợp khai thác các dịch vụ công, nâng cao chất lượng khai thác. Đối với Việt Nam, sau một thời gian dài dò dẫm tìm cơ chế, Nghị định 15 ra đời và có hiệu lực cùng với nhiều điểm mới ưu việt, trong đó có Khoản 9 Điều 3 quy định cụ thể về hình thức chuyển nhượng (O&M) sẽ là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện.
Đặc biệt, để thúc đẩy hơn nữa việc này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tăng cường huy động, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước đầu tư, xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với các hình thức đầu tư phù hợp. Cùng đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT hoàn thiện cơ chế, chính sách và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án về bán, cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác công trình hạ tầng giao thông.
Điều này càng rõ ràng hơn khi cho đến nay, Bộ GTVT đang đặt mục tiêu chuyển nhượng quyền khai thác hàng loạt dự án giao thông, trong đó có đường cao tốc, nhà ga sân bay, cảng biển… ngay trong năm 2015 để có vốn đầu tư cho các dự án khác. Hàng loạt dự án như: Phú Quốc, Nhà ga hành khách T1 sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, các dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Bến Lức - Long Thành; TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; Đà Nẵng - Quảng Ngãi,… cũng nằm trong kế hoạch chuyển nhượng quyền khai thác này.
Việc chuyển nhượng càng trở nên cấp thiết hơn, bởi nhu cầu vốn để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông ngày càng lớn để phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước tiến lên hiện đại. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, vốn ODA có xu hướng giảm khi Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Nhiều chuyên gia kinh tế thời gian qua cũng bày tỏ, để thực hiện chuyển nhượng dự án đạt được hiệu quả, Nhà nước cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư, coi tư nhân thực sự là đối tác, cùng chia sẻ rủi ro, cơ hội phát triển, cùng nhau giải quyết các vấn đề phát sinh đúng nghĩa của từ “đối tác”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận