Nguyên nhân gây ung thư họng, phổi
Trong quá trình hoạt động, động cơ đốt trong của phương tiện giao thông thải ra các chất như: CO, CO2, NOx, HC, Pb, CFC và các hợp chất của lưu huỳnh.
Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của từng thành phần khí thải, người ta chia làm 2 nhóm: Nhóm các chất ô nhiễm thông thường gồm: HC, CO, NOx, chất thải dạng hạt-PM (Particulates Matter). Trong một số trường hợp thì CO2 cũng được đưa vào nhóm này do nó là khí hình thành dưới tác động của hiệu ứng nhà kính.
Ở khu đô thị với mật độ xe cộ đông lượng CO (cacbon monoxit) trong không khí thường cao. khoảng 15% CO trong không khí được thải ra từ phương tiện giao thông vận tải. Tác hại của CO khi xâm nhập vào cơ thể sẽ liên kết với hemoglobin trong máu gây cản trở sự tiếp nhận O2 dẫn đến nghẹt thở.
Khí Hydro cacbon gây rối loạn hô hấp ngay với nồng độ thấp, sưng màng phổi, hẹp cuống phổi, làm viêm mắt, viêm mũi, là nguyên nhân gây ung thư họng, phổi và đường hô hấp.
Đặc biệt, với khí SO2 có trong không khí là chất hàng đầu được cho là nguyên nhân quan trọng gây hại cho sức khỏe của người dân đô thị. SO2 gây kích ứng niêm mạc mắt và các đường hô hấp trên. Với nồng độ cao, SO2 gây viêm kết mạc, trong trường hợp tiếp xúc ồ ạt với chất này có thể gây chết người do ngừng hô hấp.
Nhóm còn lại là các chất ô nhiễm đặc trưng. Mặc dù các chất này chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong khí thải nhưng chúng có thể là các tiền chất gây ung thư hoặc biến đổi gen.
Bụi mịn từ giao thông vận tải nguy hiểm thế nào?
Bên cạnh đó, hoạt động giao thông vận tải còn là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, sản sinh bụi mịn PM2.5. Theo chia sẻ của lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, hoạt động giao thông tại TP Hà Nội, chiếm tỷ trọng 40% nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, hoạt động xây dựng chiếm 35%, còn lại là các nguyên nhân khác.
Theo PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp, trong các thành phần của không khí ô nhiễm thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet. Chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng.
Khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.
Còn theo báo cáo của WHO mới đây, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư thế giới, đứng sau cao huyết áp, suy dinh dưỡng và hút thuốc lá. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận