"Thánh đường" Nhà hát Lớn ngày càng ít các buổi biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao |
Chưa vui mấy chốc
Tháng 8/2016, được xem là điểm khởi đầu cho chủ trương đưa tác phẩm sân khấu chất lượng vào Nhà hát Lớn (Hà Nội). Lãnh đạo ngành VH-TT&DL chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạo cơ chế ưu tiên khai thác Nhà hát Lớn làm nơi biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để các đơn vị, các nghệ sĩ, diễn viên có nhiều cơ hội thể hiện tài năng, sức sáng tạo nghệ thuật, cống hiến nhiều hơn cho khán giả trong không gian văn hóa sang trọng nhất của Thủ đô Hà Nội.
Trước đó, ngành VH-TT&DL cho rằng, mặc dù được xem là “thánh đường” của nghệ thuật, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn thiếu vắng các chương trình biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật truyền thống. Các chương trình nghệ thuật tổ chức ở đây đa phần mang tính giải trí hoặc mang nặng mục đích kinh doanh thương mại, là nơi để các tổ chức kinh tế, doanh nhân có tiền vào tổ chức hội nghị, trao các giải thưởng…
Đối với các nghệ sĩ, các nhà hát, chủ trương nói trên được xem là “cú hích”, là niềm vui lớn khi họ được biểu diễn ở sân khấu “đẳng cấp” bậc nhất cả nước mà không phải lo về kinh phí. Bởi do mức giá thuê nhà hát khá cao, dao động từ 35-45 triệu đồng mỗi đêm diễn.
Trong những tháng cuối năm 2016 và năm 2017, hàng loạt buổi biểu diễn thuộc nhiều loại hình sân khấu như kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, ca múa nhạc của các nhà hát đã luân phiên sáng đèn tại “thánh đường” của nghệ thuật. Hội trường Nhà hát Lớn luôn chật kín các ghế ngồi đã khiến cho các nghệ sĩ phần nào cảm thấy ấm lòng về một chủ trương mới mang tính “giải cứu” sân khấu nước nhà đang loay hoay trong khủng hoảng.
Còn đâu Thánh đường!
Theo kế hoạch ban đầu, dự kiến mỗi năm có khoảng 100 suất diễn. Đầu năm 2018 đến nay, các nghệ sĩ và công chúng đã không còn thấy những buổi diễn như chủ trương của ngành VH-TT&DL đâu nữa. Thay vào đó là một loạt các chương trình mà 2 năm trước đây đã từng bị chính Bộ này lên án, chê bai.
Trên lịch biểu diễn năm 2018 được Nhà hát Lớn công bố phần lớn là các chương trình của công ty tư nhân như Đông Đô show với Đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Phú Quang; Lune Production với Xiếc Làng tôi; Unicorn Viet Nam với Liveshow Đừng hỏi em của Mỹ Tâm - Jim; Công ty Young Hit - Young Beat với Ngày hội giao lưu các ban nhạc The Bandfest 2018…
Khi phóng viên Báo Giao thông trao đổi với lãnh đạo Nhà hát Cải lương Việt Nam được biết, từ đầu năm trở lại đây không thấy Bộ hay Cục nhắc gì về việc đưa các vở đến biểu diễn tại Nhà hát Lớn và cũng không hiểu vì sao lại im ắng như vậy. Mặc dù trong 2 năm qua, Nhà hát Cải lương đã mang 3 vở diễn có chất lượng (Vua Thánh Triều Lê, Cung Phi Điểm Bích, Hừng Đông) đến đây biểu diễn. Bên cạnh đó, khi phóng viên liên lạc với một số nhà hát khác thuộc Bộ, đều nhận được câu trả lời là không nắm được thông tin gì kể từ cuối năm 2017.
“Từ khi có chủ trương biểu diễn tại Nhà hát Lớn, năm nào Bộ VH-TT&DL cũng có thông báo, hoặc quyết định từ đầu năm gửi về Nhà hát nhưng năm nay, đến giờ vẫn chưa thấy đâu. Nhà hát rất ủng hộ chủ trương của Bộ nên từ đầu năm đã chuẩn bị các tiết mục của mình, chỉ đợi có thông báo là nhà hát sẽ huy động anh em đến biểu diễn”, lãnh đạo Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ
Để tìm được lời giải cho việc mất dấu một cách bất ngờ, cần xem lại cách các đơn vị đã làm để thực hiện một chủ trương được cho là lớn và mang tính “đột phá” này.
Việc đầu tiên phải được nhắc đến là quá trình xây dựng các vở diễn. Trong 6 tháng đầu chạy thử nghiệm, hầu hết các vở diễn đã cũ và được các đơn công diễn tại rạp của mình nhiều lần: Biệt đội báo đen; Công lý không gục ngã; Vua Thánh Triều Lê; Nghêu, Sò, Ốc, Hến; Súy Vân; Ba lê cổ điển Kẹp hạt dẻ; Hamlet và Ai là thủ phạm… Đến những tháng cuối năm 2017 vẫn chưa thấy bóng dáng những vở diễn mới được đưa vào công diễn.
Trong khi đó, 2 năm qua, các đơn vị được giao bán vé vẫn loay hoay chưa tìm được đầu ra thực sự cho các tác phẩm. Mỗi buổi biểu diễn lượng vé bán ra không quá 100 vé, số còn lại chủ yếu là vé mời miễn phí để lấp chỗ trống. Thậm chí, năm 2017 các chương trình biểu diễn bị dồn vào 2 tháng (biểu diễn sân khấu truyền thống vào tháng 5 và kịch nói vào tháng 8) cũng gây khó hiểu. Một số đơn vị nghệ thuật cũng tỏ ra bị động, hời hợt trong việc quảng bá thông tin cho chương trình.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn bày tỏ: “Chúng tôi luôn gặp khó khăn khi cứ phải giục một số đơn vị gửi các thông tin về chương trình để in quảng cáo và vé. Có những chương trình gần tới ngày diễn, chúng tôi cũng chưa nhận được hình ảnh và nội dung giới thiệu của đơn vị biểu diễn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận