Lãi suất cao như “chợ đen”
Cần 20 triệu đồng để mua xe máy cho em trai chạy Grab, chị Tạ P.L. (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) được giới thiệu đến hệ thống của Home Credit để vay tiền. Tại đây, chị L. được một nhân viên tên Linh tư vấn: Nếu đã xác định rõ là vay tiền mua xe máy, chị L. nên mua theo hình thức trả góp, lãi suất thấp hơn so với cách vay tiền mặt rồi về tự mua xe. Theo đó, nếu chị L. mua trả góp theo hình thức trả trước (bằng tiền đã có) khoảng 30% chiếc xe, còn lại vay từ Home Credit và mỗi tháng trả lãi và một phần gốc.
Theo tính toán của nhân viên Home Credit, với khoản vay 20 triệu đồng trong thời hạn 9 tháng, mỗi tháng chị L. sẽ trả lãi 320 nghìn đồng cộng với trả gốc 2,577 triệu đồng. Tính ra, lãi suất 1,66%/tháng, tương đương 19,92%/năm, gấp đôi lãi suất ngân hàng. Khoản lãi và gốc này là bất di bất dịch, dù tiền gốc giảm theo tháng và cứ đến hẹn là phải thanh toán. “Nếu trả chậm nhân viên nói sẽ bị phạt khoảng 2%, là khoảng mấy chục nghìn đồng của kỳ đó”, chị L. kể và cho biết. Thủ tục vay cũng rất đơn giản, chỉ cần chứng minh thư và sổ hộ khẩu hoặc chứng minh thư và bằng lái xe là được. Sau khi lấy xe, các loại giấy tờ chị L. đều được hoàn trả, chỉ có đăng ký xe sẽ bị công ty giữ lại. Chị L. sẽ được cấp một bản sao có công chứng để đi đường.
Mức lãi suất 20%/năm như của chị L. được coi là “mềm” so với khoản vay tiêu dùng. Theo phản ánh của nhiều khách hàng đã từng bị một công ty tài chính “chặt chém” với lãi suất không kém thị trường “chợ đen”. Đơn cử như anh Lê Văn Minh, ở Thủ Dầu 1, Bình Dương từng vay của 1 công ty tài chính 31 triệu đồng, thời hạn vay 36 tháng và kết thúc hợp đồng đã phải trả cả gốc lẫn lãi 52,5 triệu đồng, tính ra mức lãi suất 39%/năm. Hay anh Nguyễn Văn Tùng (Gò Vấp, TP HCM) vay 20 triệu đồng, sau 6 tháng, riêng số tiền lãi phải trả lên tới 10 triệu đồng. Hoảng quá, anh Minh đành xin tất toán hợp đồng trước hạn, chịu phạt. Anh Tùng cho biết, hợp đồng ghi 5%/tháng, (60%/năm, song cộng cả các khoản phí thì mức lãi cao hơn nhiều).
Theo số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, khung lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng thấp nhất từ 6,6%/năm đến mức cao nhất là 85%/năm đối với tùy loại sản phẩm. Lãi suất này cũng thường áp dụng với số tiền cho vay ban đầu, không tính theo dư nợ giảm dần. Luật sư Trần Minh Hải, GĐ Công ty Luật Basico nhận xét, ngay các ngân hàng hiện nay cũng đang áp dụng các mức lãi suất lên đến 70-80%/năm với các khách hàng vay vốn có yếu tố không rõ ràng về nguồn thu…
Mảnh đất màu mỡ, siêu lợi nhuận
Lý giải nguyên nhân áp dụng lãi suất cao hơn ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó tổng GĐ Công ty FE Credit cho biết, do tỷ lệ chi phí trên từng đồng vốn cao. Cụ thể, công ty tài chính không được huy động tiền gửi dân cư mà buộc phải sử dụng vốn tự có hoặc phát hành giấy tờ có giá (chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu) để huy động vốn từ doanh nghiệp, tổ chức với chi phí cao hơn hẳn. Bên cạnh đó, chi phí cố định và chi phí quản lý lớn do các khoản vay chủ yếu nhỏ lẻ, trong khi thủ tục vay, khởi tạo khoản vay, thu hồi nợ đều tuân thủ theo quy định của NHNN dẫn đến chi phí vận hành, nhân, vật lực tăng.
Theo ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN, các ngân hàng thương mại và công ty tài chính cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng cần phát triển hệ thống công nghệ thông tin, thường xuyên cập nhật thông tin khách hàng và chuẩn hóa quy trình cho vay, nhắc nợ, tuân thủ những quy định về đảm bảo an toàn vốn để đảm bảo chất lượng khoản vay hơn là số lượng khoản vay, tránh tình trạng chạy đua doanh số hoặc cạnh tranh thiếu lành mạnh hay còn gọi là những cuộc cạnh tranh xuống đáy… “Các tổ chức tín dụng cũng cần nhanh chóng áp dụng chuẩn mực quản lý rủi ro Basel II để đánh giá đầy đủ các rủi ro hoạt động của mình. Về phía khách hàng cũng cần tìm hiểu những kiến thức cơ bản về tín dụng, nghiên cứu kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng để tránh mắc phải những rủi ro đối với chính mình. Nói cách khác, đối với phương thức cho vay thông minh này thì bản thân người sử dụng dịch vụ cũng cần thông thái để tự bảo vệ tài sản của mình”, ông Tú Anh cho biết.
Ngoài ra, khách hàng của tín dụng tiêu dùng đều là khách hàng “dưới chuẩn” (độ tín nhiệm thấp, thu nhập trung bình - thấp, tài chính không ổn định, không có tài sản đảm bảo). “Như vậy, mức lãi suất cao hơn so với ngân hàng nhằm dự phòng cho các khoản rủi ro tín dụng là điều hợp lý”, ông Phúc nói. Một nguyên nhân nữa được ông Phúc đề cập là do cơ sở dữ liệu dân cư phức tạp, một người dân ngoài chứng minh thư còn có thẻ căn cước… cũng làm tăng lãi suất thêm 2-3%.
Nhờ lãi suất cao, mảng tín dụng tiêu dùng trở thành mảnh đất màu mỡ, mang lại siêu lợi nhuận. Theo số liệu từ NHNN, tín dụng tiêu dùng chỉ mới tăng tốc từ tháng 10/2012 đến nay. Giai đoạn từ 8/2014 - 2018, tín dụng tiêu dùng bùng nổ, tốc độ tăng có thời kỳ hơn 80% và làm cho tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng trên tổng dư nợ toàn hệ thống tăng từ 6,3% (8/2014) lên đến 19,7% (12/2018). Quy mô tín dụng tiêu dùng tăng mạnh, từ mức 70.000 tỷ đồng năm 2008 lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng năm 2019 theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC). Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao, thu nhập đầu người tăng lên nhanh chóng, mức chi tiêu tăng nhanh, tỷ lệ người trẻ tuổi lớn (khoảng 16,7 triệu người), công nghệ phát triển… Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ cho tín dụng tiêu dùng nảy nở và lan rộng.
Theo thống kê, kể từ khi công ty tài chính đầu tiên được cấp phép (là Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện năm 1998), đến ngày 31/12/2018, thị trường Việt Nam có tổng cộng 16 công ty tài chính (trong đó có 4 công ty 100% vốn nước ngoài). Thị trường tín dụng tiêu dùng hiện do các ngân hàng thương mại chiếm lĩnh hơn 90%, phần “bánh” còn lại là của các công ty tài chính. Trong số 16 công ty tài chính nói trên tham gia cuộc chơi, 3 đơn vị lớn đang chiếm lĩnh tỷ lệ thị phần lớn là FE Credit (chiếm khoảng 48% thị phần), Home Credit (17%) và HD Saison (10%). Các công ty khác như: Prudential Finance, Toyota Finance. JACCS, Mirae Asset, McCredit… cũng tích cực tham gia mảng cho vay này.
Tuy nhiên, thị trường cho vay tiêu dùng đang có sự chênh lệch về thị phần (3 công ty lớn nhất chiếm đến 75% thị phần) dẫn tới lo ngại khả năng thao túng, áp đặt lãi suất cao cũng như hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng… Vì vậy, theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, NHNN tạo điều kiện cho các công ty tài chính mới và nhỏ tham gia nhằm tăng tính cạnh tranh, hạn chế sức mạnh độc tôn của 3 định chế nói trên. “Điều này sẽ giúp giảm lãi suất, tăng sự đa dạng về sản phẩm, dịch vụ và mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng cũng như nền kinh tế”, ông Lực nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận