Khi một bản “Công bố 12 sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19" được đính kèm một công văn chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ Y tế, hẳn nhiên ai cũng hiểu đó là danh mục chính thức, được công nhận bởi cơ quan quản lý chuyên ngành cao nhất.
Hẳn nhiên, những sản phẩm này cũng đã được Bộ Y tế “bảo hành” về công dụng, chất lượng!
Do vậy, 12 sản phẩm nói trên đương nhiên sẽ được các cơ sở y tế cũng như người dân quan tâm, săn lùng khi có nhu cầu phòng ngừa, điều trị Covid-19.
Bản "công bố 12 loại thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19" đính kèm Công văn 5499 chỉ của Bộ Y tế (sau đó đã được thu hồi).
Ngay sau văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế được phát hành, hàng loạt sản phẩm trong danh sách này đã được người dân đổ xô đi mua sử dụng, tích trữ.
Giá nhiều sản phẩm trong danh mục lập tức tăng vùn vụt như hoạt huyết Nhất Nhất của Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất tăng giá 2 lần lên 103 nghìn đồng/hộp; Sản phẩm xuyên tâm liên từ 80-90 nghìn vọt lên 200 nghìn mà vẫn không có để mua.
Đặc biệt, sản phẩm Kovir của Công ty cổ phần Sao Thái Dương từ 250 nghìn vọt lên 1 triệu đồng...
Không chỉ có vậy, Công ty cổ phần Sao Thái Dương còn tung ra 2 bộ sản phẩm hỗ trợ điều trị dành cho F0 và F1 có giá lần lượt 4.185.000 và 1.435.000 đồng.
Đáng nói ở chỗ, 2 bộ này đều giống nhau ở 3 sản phẩm hết sức thông dụng là dầu gừng; xịt mũi họng và nước xúc miệng, sản phẩm còn lại vẫn mang tên Kovir (2 vỉ 30 viên nang), nhưng giá chênh một trời một vực!
Hộp 30 viên nang Kovir có giá 1 triệu đồng, tương ứng 30.000 đồng/viên
Ấy vậy nhưng người mua “ngã ngửa” khi hóa ra trong danh sách Bộ Y tế khuyến cáo nên dùng có những sản phẩm được khẳng định không có tý liên quan nào đến bệnh Covid-19 như hoạt huyết dưỡng não Nhất Nhất.
Choáng hơn nữa là có cả sản phẩm chưa được cấp phép sử dụng như viên nang cứng Kovir của Công ty cổ phần Sao Thái Dương!
Chuyện một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân câu kết tìm cách trục lợi trong những bối cảnh thiên tai, địch họa xưa nay không hiếm.
Suốt hai năm dịch bệnh vừa qua, người dân từng phải “nghiến răng” mua một số sản phẩm phòng dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn giá cao gấp 5, gấp 10 lần thông thường. Nhưng cơn sốt giá đó cũng có nguyên nhân tại một số thời điểm nhu cầu tăng vọt trong khi sản xuất chưa đáp ứng kịp.
Song sự trục lợi lần này thì khác!
Khác ở chỗ: Danh mục giấy trắng mực đen đính kèm văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế đã “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp dễ dàng "móc túi" nhiều người dân đang lo lắng, phải thắt lưng buộc bụng vì dịch bệnh!
Không chỉ có vậy, trong Công văn 5944 của Bộ Y tế còn có nội dung chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố căn cứ vào "danh sách này" để tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận ủng hộ để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cũng như đội ngũ y, bác sỹ và đối tượng cách ly.
Nội dung trong Công văn 5499 của Bộ Y tế chỉ đạo tham khảo sản phẩm ban hành kèm công văn này để lựa chọn mua sắm, đấu thầu
Dù Bộ Y tế đã thu hồi văn bản; Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền Nguyễn Thế Thịnh - "tác giả" đề xuất ban hành danh sách đính kèm nói trên đã giải thích là do “hiểu nhầm”, “nhầm lẫn”, nhưng cộng đồng khó có thể chấp nhận!
Thực tế, viên nang Kovir đã được Bộ Y tế đưa vào sử dụng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh.
Dù rằng, đến nay vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu nào của Bộ Y tế hay cơ quan có thẩm quyền nào về tác dụng, hiệu quả của sản phẩm này trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
Do vậy, dư luận cũng đặt câu hỏi: Nếu vụ việc này không "vỡ lở", người dân sẽ mất thêm bao nhiêu tiền để mua những sản phẩm có giá "cắt cổ" từ Sao Thái Dương và 4 doanh nghiệp dược khác?
Nguy hiểm hơn ở chỗ: Vì tin tưởng vào tác dụng như doanh nghiệp quảng cáo và Bộ Y tế “bảo hành” cho sản phẩm nói trên (bằng giấy trắng mực đen), người dân có thể sinh tâm lý chủ quan trong phòng ngừa, điều trị.
Khi đó, không chỉ mất tiền oan, người sử dụng các sản phẩm nói trên còn có nguy cơ lây nhiễm bệnh, gây nguy hiểm cho mình và cộng đồng!
Do vậy, dư luận đòi hỏi, cần xem xét điều tra rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm những người đã “cài cắm” danh sách 12 sản phẩm vào văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch của Bộ Y tế.
Về phía người dân và những người đã trót mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo nổ về công dụng phòng chống Covid nói trên, đòi đền bù, trả lại hàng chắc khó nhưng hoàn toàn có thể sử dụng “quyền năng” của người tiêu dùng, từ chối sản phẩm của doanh nghiệp trục lợi giữa lúc dịch bệnh đang “nước sôi lửa bỏng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận