Gần đây, động đất xuất hiện liên tục trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang thu hút quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, trao đổi nhanh với PV Báo Giao thông sáng nay, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, khó để dự báo trước thời điểm xảy ra động đất.
Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum chiều 23/8
Theo ông Xuân Anh, hiện chỉ có thể đánh giá mức độ, xu thế xảy ra động đất. Từ đó để quyết định đến tư vấn, thiết kế công trình, kháng trấn.
Ông Anh cũng cho biết, nguyên nhân vẫn xác định do thuỷ điện hồ chứa. Do đó, trước mắt, để người dân chủ động ứng phó thì cần tuyên truyền để người dân hiểu. Đồng thời khảo sát, đánh giá, rà soát lại công tác kháng trấn.
Trong tháng 9, sẽ mở lớp tập huấn kỹ năng phòng chống động đất. Còn về giải pháp xử lý triệt để là thuộc trách nhiệm các cơ quan chức năng, ông Anh cho hay.
Trong báo cáo Công tác ứng phó với động đất khu vực tỉnh Kon Tum gửi Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, thời gian gần đây, động đất xảy ra thường xuyên và có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cụ thể: Từ năm 1903 đến năm 2020 (117 năm) đã ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn M = 2,5 - 3,9.
Từ tháng 02/2021 động đất xuất hiện và có xu hướng gia tăng: Năm 2021 xảy ra 114 trận; 8 tháng đầu năm 2022 xảy ra 146 trận.
Từ ngày 15-28/4/2022, đã xảy ra liên tiếp 41 trận với M = 2,5 - 4,5, trong đó ngày 15/4 có độ lớn 4,1 và ngày 18/4 có độ lớn 4,5.
Từ ngày 23-24/8/2022, đã xảy ra liên tiếp 12 trận động đất với M = 2,5 – 4,7, trong đó trận động đất lúc 14h08’ ngày 23/8 có độ lớn 4,7 (tương đương cường độ trận động đất lớn nhất xảy ra năm 2012 tại thuỷ điện Sông Tranh 2).
Trận động đất độ lớn 4,7 vào hồi 14h08’ ngày 23/8 đã gây rung chấn trong khu vực huyện Kon Plong và các địa phương lân cận (Quảng Nam, Đà Nẵng).
Động đất đã làm hư hại mái ngói của 1 nhà tại xã Đăk Ring, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không ghi nhận thiệt hại.
Trước thực trạng trên, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên đề nghị Phó thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trung ương và địa phương vào cuộc.
Đáng chú ý, yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Vật lý địa cầu) tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cung cấp kịp thời bản tin động đất cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; bổ sung đầy đủ các nội dung bản tin động đất. Đánh giá, xác định nguyên nhân, cường độ động đất lớn nhất có thể xảy ra làm cơ sở để các Bộ ngành, địa phương triển khai ứng phó, nhất là việc tích nước các hồ chứa...
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn EVN chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến an toàn hồ đập; triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hồ đập; xem xét việc tích nước các hồ chứa trên cơ sở xác định nguyên nhân ban đầu của Viện Vật lý địa cầu, đặc biệt đối với hồ chứa thuỷ điện Thượng Kon Tum...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận