Xã hội

Khó hiểu cấp phép trang trại điện mặt trời sát mỏ đá ở Gia Lai

06/04/2023, 06:24

Được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép khai thác mỏ đá nhưng suốt 3 năm qua, đơn vị trúng đấu giá không thể khai thác.

Lý do là sau đó, huyện Chư Sê lại cho phép 3 trang trại điện mặt trời hoạt động ngay trong hành lang nổ mìn của doanh nghiệp khai thác đá.

Bó tay khi đánh giá tác động môi trường

img

Trang trại điện nằm sát mỏ đá

Năm 2009, UBND tỉnh Gia Lai đưa mỏ đá H’bông (xã H’bông, huyện Chư Sê) với diện tích khoảng 1,7ha vào quy hoạch mỏ khoáng sản. Năm 2018, UBND huyện Chư Sê đề nghị UBND tỉnh này đấu giá vị trí mỏ đá trên để đưa vào khai thác.

Việc cấp phép cho doanh nghiệp trang trại điện mặt trời sát mỏ đá có dấu hiệu cho thấy UBND huyện Chư Sê và đơn vị điện lực thiếu trách nhiệm trong quản lý. Nhà nước đã quy hoạch mỏ đá rồi, việc này huyện đề xuất đấu giá chứ ai? Sao lại không biết được mỏ đá hoạt động sẽ nổ mìn, ảnh hưởng mà vẫn cho xây dựng trang trại điện mặt trời, làm nhà kính dẫn đến sự lùng nhùng này?
Hiện, Sở Công thương đang hướng dẫn Công ty Quang Đức việc nổ mìn phù hợp. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời. Để giải quyết vấn đề này, huyện Chư Sê cần có biện pháp dứt điểm, khắc phục những tồn tại do chính họ gây ra.

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai

Tháng 4/2019, Công ty CP Kinh doanh và xuất khẩu Quang Đức (Công ty Quang Đức) tham gia đấu giá và được tỉnh Gia Lai quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.

Sau đó, UBND huyện Chư Sê đã bổ sung khu vực mỏ đá này vào kế hoạch sử dụng đất năm 2019, 2020, 2021 trình tỉnh phê duyệt.

Hàng loạt các quyết định của UBND tỉnh Gia Lai được tiến hành để đảm bảo quy định cho doanh nghiệp thực hiện các bước, thủ tục để tiến hành được khai thác đá.

Tuy nhiên, khi Công ty Quang Đức và ngành chức năng thực hiện đánh giá tác động môi trường (DTM) để hoàn tất thủ tục cần thiết, bất ngờ phát hiện có 3 dự án điện áp mái năng lượng mặt trời mọc lên cạnh khu vực khai thác đá.

Theo Sở Công thương tỉnh Gia Lai, trong 3 dự án này có dự án vị trí chỉ cách khu vực khai thác đá 67m.

Vì vậy, việc đánh giá DTM không thể thực hiện được do tác động của nổ mìn sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác.

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết: “Đối với phương án nổ mìn phá đá thì khoảng cách tối thiểu với người là 300m, thiết bị máy móc thì tối thiểu là 150m. Do vậy, khi đánh giá tác động môi trường, phương án nổ mìn phá đá khai thác mỏ không thể được”.

Doanh nghiệp có thể khởi kiện

img

Hiện trường trang trại điện nằm sát mỏ đá

Liên quan đến việc cấp phép dự án điện áp mái trang trại mặt trời tại khu vực lân cận mỏ đá H’bông, ông Trần Quốc Sỹ, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Chư Sê cho biết: “Quá trình triển khai các dự án điện mặt trời, doanh nghiệp thực hiện theo quy định. Theo đó, doanh nghiệp đăng ký xin chủ trương dự án dưới 1MW nên không thực hiện theo quy hoạch về ngành điện. Quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp liên hệ xã để triển khai dự án, sau đó doanh nghiệp và cơ quan điện lực triển khai hướng tuyến để thoả thuận mua điện”.

Trước câu hỏi “Dự án khai thác đá có trước, được UBND huyện thẩm định trình cấp trên để đấu thầu cấp phép, vì sao huyện lại tiếp tục cho phép các doanh nghiệp khác triển khai dự án điện mặt trời nằm sát đó?”, ông Trần Quốc Sỹ cho biết: “Các trang trại điện năng lượng mặt trời trước đây là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm.

Trong khi đó, quy định về việc xây dựng tại nông thôn thì không báo cáo lên cấp huyện để xin phép mà chỉ là cấp xã thông qua. Về việc thực hiện các dự án điện mặt trời huyện không sai cái gì cả, huyện chỉ ký các thủ tục hướng tuyến, chứ ko cấp phép”.

Theo ông Trần Quốc Sỹ, hiện nay, huyện đã mời 3 doanh nghiệp đến để họp và thống nhất phương án. Theo đó, doanh nghiệp muốn khai thác mỏ đá, phải thỏa thuận với 2 doanh nghiệp trang trại điện năng lượng mặt trời.

Theo luật sư Ngô Thanh Quảng, Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai, quá trình khai thác mỏ đá hay xây dựng, vận hành hệ thống điện mặt trời áp mái đều đỏi hỏi những điều kiện khắt khe về an toàn kỹ thuật. Hệ thống điện mặt trời áp mái hoạt động ngay cạnh khu vực mỏ khai thác đá sẽ khó đảm bảo an toàn và cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của chính nhà đầu tư.

Về vấn đề này, luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk cho rằng, UBND huyện Chư Sê trong nhiệm vụ quản lý của mình, chắc chắn sẽ quản lý quy hoạch sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản tại địa phương.

“Chính huyện này đề xuất chủ trương khai thác mỏ đá rồi cho phép dựng lên trang trại điện năng lượng mặt trời cạnh mỏ đá là chồng chéo, khiến lợi ích của cả mỏ đá và trang trại điện mặt trời đều bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp đều có thể khởi kiện ra toà về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do chính quyền huyện Chư Sê gây ra”, luật sư nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.