Y tế

Khó khăn tiếp cận y tế, F0 tại Hà Nội cần làm gì khi tự điều trị tại nhà?

14/12/2021, 09:24

Số ca mắc mới Covid-19 tại Hà Nội tăng vọt, khó tiếp cận y tế cơ sở, nhiều trường hợp F0 đã tự cách ly và điều trị tại nhà.

Kinh nghiệm tự tin vượt Covid-19 tại nhà của gia đình trẻ nơi tâm dịch

Sau 6 ngày cách ly và điều trị Covid-19 tại nhà, chồng và cô con gái nhỏ của chị Hoài Nam (trú tại Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính, riêng cô con gái lớn vẫn dương tính, nhưng sức khỏe khá ổn định.

Cũng như nhiều gia đình khác, việc dầu tiên sau khi phát hiện người thân nhiễm Covid-19, chị đã thông báo ngay cho y tế cơ sở. Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ của y tế, chị Nam chủ động tự cách ly và điều trị tại nhà.

img

Chị Nam chủ động gọi test PCR Covid-19 tại nhà cho các thành viên trong gia đình

Gia đình 4 người thì duy nhất mình chị Nam không nhiễm Covid-19. Chị Nam kể, cùng một ngày 2 cô con gái lần lượt sốt cao, ban đầu chị Nam có ý nghĩ chắc lũ trẻ có thể sốt xuất huyết hoặc sốt virus mà thôi. Thế nhưng cũng lúc đó, chồng chị cũng được cơ quan thông báo là F1, chị Nam quyết định cả nhà cùng test Realtime – PCR Covid-19.

Trong lúc chờ kết quả, chị Nam nhanh chóng khử trùng cả nhà bằng cách lau sạch nhà bằng tinh dầu tràm, rồi nhờ các bác hàng xóm mua cho 1 cơ số sả, gừng và hoa quả.

Bắc nồi nước xông và “lùa” 3 bố con từng người vào xông, sau đó thực hiện cách ly ngay lập tức mỗi người 1 nơi. “Mình liên tục theo dõi nhiệt độ sốt của 2 đứa nhỏ. Lâu hạ sốt quá thì hô chúng nó đi tắm nước ấm ấm là hạ nhiệt rất nhanh”, chị Nam chia sẻ.

Đến lúc nhận kết quả 3 bố con dương tính thì chị Nam đã sẵn sàng vào cuộc chiến rồi.

Chia sẻ kinh nghiệm chăm cho F0 tại nhà, chị Nam cho biết: Cần bình tĩnh xử lý, nếu sốt là hạ sốt bằng paracetamol với liều lượng 15mg/kg. Sốt trên 38.5 độ mới dùng thuốc. Dưới mức đó chỉ chườm, uống oresol hoặc cho đi tắm ấm. Súc miệng, rửa mũi, đánh răng bằng nước muối nano. Bù nước bằng cách uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây, oresol. Cho ăn ổi, nước ép ổi để tăng magie, ăn chuối tăng kẽm, cam - bưởi tăng vitamin C. Ép cần tây mix với táo làm sạch đường ruột rất tốt.

Ưu tiên ăn thực phẩm mềm như cháo, mì, miến. Hạn chế dầu mỡ và đạm động vật. Tăng lượng ăn xanh bất cứ lúc nào lũ trẻ đói. Ngày ngày xông gừng, xả và vài giọt tinh dầu tràm.

Sau 3 ngày hết sốt thì bọn trẻ bắt đầu ho. Mấu chốt là nhiễm lạnh trong quá trình cơ thể mất cân bằng nhiệt lúc sốt. Phá hàn khí là cách tốt nhất để không làm ho tiến triển nhanh. Siro ho mật ong, húng chanh, gừng ngậm liên tục từ lúc ngủ dậy đến tối.

Ngâm chân nước nóng muối gừng là điều cần thiết mỗi tối trước khi đi ngủ. Ngâm cho đến khi người toát hết mồ hôi mới được đứng lên.

Đến ngày thứ 5-6 thì hai đứa trẻ sẽ bắt đầu mất vị giác, khứu giác, điều này là bình thường, báo hiệu sắp khỏi. Cho chúng nó được ăn món chúng nó yêu cầu và yêu cầu vận động đi lại hoặc đứng vẩy tay 15-20 phút mỗi lần.

"Ngoài ra, cần mở toang các cửa phòng nhé mọi người, cần nhiều ion âm trong không khí để giúp người bệnh thở dễ dàng hơn.

Đến hôm nay là ngày thứ 6 thì gái út đã âm tính được 1 ngày rồi. Bố nó cũng âm tính. Còn con gái lớn yếu ớt hơn thì vẫn đang dương, chắc 1-2 ngày nữa cũng sẽ ổn”, chị Nam nói.

Với kinh nghiệm vừa qua, chị Nam nhắn nhủ: “Nếu bạn tự test nhanh hoặc test PCR tại nhà có kết quả thì báo ra y tế phường. Báo xong thì tập trung chăm sóc sức khỏe cho gia đình bởi với tình hình quá tải như hiện nay nhân viên y tế khó có thể bao quát hết. Với biểu hiện triệu chứng nhẹ, nếu chỉ sụt sịt và sốt thông thường thì mọi người không phải lo lắng, cố gắng kiểm soát thân nhiệt, nếu có dấu hiệu ho thì xử lý làm nóng cơ thể bằng mọi cách. Người cao tuổi có thể nằm trên cái chăn điện rất tốt. Ai chả bị cúm vài lần trong năm nên đừng hoang mang. Sợ hãi sẽ làm bạn giảm sức đề kháng”.

F0 tại nhà liên hệ y tế khi có các dấu hiệu này

Theo lưu ý của BS. Nguyễn Thành Quân, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, nếu người bệnh nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà có các triệu chứng như dưới đây phải báo ngay với nhân viên y tế phụ trách theo dõi sức khỏe cho gia đình để được xử trí kịp thời:

- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, thở khò khè khi hít vào.

- Nhịp thở tăng: Với người lớn khi đếm nhịp thở trên 21 lần/phút, trẻ nhỏ từ 1- dưới 5 tuổi nhịp thở trên 40 lần/phút, trẻ từ 5- 12 tuổi có nhịp thở trên 30 lần/phút. Lưu ý khi đếm nhịp thở phải đếm đủ trong vòng 1 phút khi trẻ nằm yên, không khóc, mỗi chu kỳ nhịp thở được tính là 1 lần hít và và 1 lần thở ra.

- Khi chỉ số SpO2 của bệnh nhân dưới 95%, nếu có máy đo và đo chính xác; khi phát hiện bất thường cần đo lại lần 2 sau lần 1 từ 30 giây đến 1 phút. Khi đo yêu cầu giữ nguyên vị trí đo, tẩy sơn móng tay (nếu có) trước khi đo.

- Mạch nhanh: Mạch trên 120 lần/phút hoặc dưới 50 lần/phút.

- Huyết áp: Huyết áp tối đa dưới 90mm thủy ngân hoặc huyết áp tối thiểu dưới 60mm thủy ngân nếu có thể đo.

- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

- Thay đổi ý thức như: Bệnh nhân thấy lú lẫn, ngủ lơ mơ, rất mệt hoặc mệt lả không thể ra khỏi giường, trẻ em có thể có quấy khóc, li bì, co giật…

- Xuất hiện hiện tượng bị tím ở môi, móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt nhạt, lạnh các đầu ngón tay, ngón chân.

- Không thể uống; ở trẻ em có thể bú kém hoặc giảm, ăn kém, có thể nôn.

- Trẻ có biểu hiện sốt cao, mắt đỏ, môi đỏ ,lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù, nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết.

- Bất kỳ tình trạng nào mà người bệnh cảm thấy lo lắng cũng cần báo cho nhân viên y tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.