Doanh nghiệp

Khóc cười lương thưởng tiền tỷ của các CEO

04/05/2017, 07:24

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2017 ghi nhận lãnh đạo nhiều doanh nghiệp nhận mức thu nhập tiền tỷ...

7

Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo trong một hoạt động thiện nguyện do Vietjet Air tổ chức - Ảnh: VT

Người cười nhận thưởng khủng

Chào sàn cuối tháng 2 năm nay nên mùa ĐHCĐ 2017 Vietjet Air (VJC) sẽ thu hút mọi ánh nhìn. Mức thù lao của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, TGĐ Vietjet Air nhận được là 2,66 tỷ đồng/năm, gấp đôi mức thù lao của Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thanh Hà (1,27 tỷ đồng/năm). Các phó tổng giám đốc khác của VJC cũng nhận thù lao 1,4-1,7 tỷ đồng/năm.

Tại ĐHCĐ cuối tháng 4 vừa qua, các cổ đông Công ty Cổ phần Vàng bạc Phú Nhuận (PNJ) đã thông qua mức thưởng cho HĐQT và Ban Điều hành 12,2 tỷ đồng trên cơ sở lãi khủng năm 2016 là gần 450,5 tỷ đồng. ĐHCĐ cũng thông qua quỹ hoạt động của HĐQT và Ban Kiểm soát là 3,75 tỷ đồng, Quỹ của Ban Tổng giám đốc 3 tỷ đồng. Do các thành viên của Ban Giám đốc đều là thành viên của HĐQT nên mỗi thành viên sẽ được nhận “suất đúp”, trung bình hơn 3,238 tỷ đồng. Ngoài ra, các thành viên của ban lãnh đạo sẽ nhận thêm thu nhập từ cổ tức với tỷ lệ 18%.

Tại ĐHCĐ thường niên 2017 của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (BFC), các cổ đông đặt vấn đề vì sao thù lao của HĐQT và Ban Kiểm soát lại ít như vậy. Cụ thể, năm qua, Chủ tịch HĐQT BFC được trả thù lao 5 triệu đồng/tháng; các thành viên HĐQT nhận 3,5 triệu đồng/tháng, thành viên Ban Kiểm soát 3,5 triệu đồng/tháng và các kiểm soát viên ở mức 2 triệu đồng/tháng. Do đó, các cổ đông đã đề nghị tăng mức thù lao này lên để lãnh đạo doanh nghiệp có thêm động lực, tạo ra nhiều lợi nhuận hơn cho cổ đông. Do đó, năm 2017, HĐQT công ty đã trình thù lao 8 triệu đồng/tháng cho Chủ tịch HĐQT, 6 triệu đồng/tháng với các thành viên HĐQT và 4 triệu đồng/tháng cho các kiểm soát viên Ban Kiểm soát.

thu nhập “khủng” hơn là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Năm 2016, trên cơ sở lợi nhuận trước thuế tăng vọt 139% lên 1.348 tỷ đồng, ĐHCĐ ngân hàng này đã thông qua thù lao HĐQT và ban kiểm soát là 40 tỷ đồng nhưng số chi thực chỉ dừng ở mức 31,56 tỷ đồng. Trung bình, mỗi thành viên nhận 3,33 tỷ đồng. Mức này chưa tính các chi phí khác trong báo cáo tài chính. Do đó, thu nhập thực tế sẽ cao hơn.

Một doanh nghiệp lớn khác trên sàn gây chú ý là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM). Với lợi nhuận sau thuế 9.363,8 tỷ đồng (tăng 20,5% so với năm 2015), thù lao của HĐQT và ban kiểm soát VNM là 15 tỷ đồng, chia đều cho 11 thành viên, mỗi thành viên 1,36 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là mức trung bình, trên thực tế, theo công bố của HĐQT, mức thù lao năm 2016 của bà Lê Thị Băng Tâm lên tới 3,44 tỷ đồng/năm. Một số thành viên HĐQT khác như ông Lê Song Lai nhận 2,35 tỷ đồng/năm; ông Lê Anh Minh nhận 2,33 tỷ đồng/năm... Năm 2017, ĐHCĐ VNM đồng ý nâng thù lao HĐQT (gồm 9 người) lên 20 tỷ đồng.

Còn tại Sabeco, với lợi nhuận sau thuế năm 2016 là 6.655 tỷ đồng (tăng 127% so với 2015), ĐHCĐ đã thông qua quyết toán tiền lương, thù lao và tiền thưởng năm 2016 của HĐQT và Ban Kiểm soát Sabeco (4 thành viên) là 4,05 tỷ đồng tiền lương, 1,012 tỷ đồng tiền thưởng và 783 triệu đồng tiền thù lao. Tổng số tiền 4 thành viên nhận được trong năm 2016 là 5,845 tỷ đồng. Như vậy, mỗi thành viên sẽ nhận được 1,461 tỷ đồng trong năm qua…

Kẻ khóc bị Cổ đông đòi lại tiền

Trong khi các doanh nghiệp hoan hỉ báo lãi, chia thưởng, mùa ĐHCĐ năm nay cũng ghi nhận nhiều trường hợp cổ đông bức xúc vì kết quả kinh doanh không được như mong muốn. Đáng chú ý nhất là các cổ đông của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank - EIB) bức xúc đề nghị Ban lãnh đạo cần nhìn nhận thực trạng kinh doanh không có lãi đã gây bức xúc cho các cổ đông.

Tại ĐCHĐ vừa tổ chức, cổ đông cho rằng, trong khi ngân hàng hoạt động chưa hiệu quả, chưa có lợi nhuận chia cho cổ đông (nhiều năm liên tiếp ngân hàng chia cổ tức là 0%) thì thù lao cho HĐQT mỗi năm 1% lợi nhuận trước thuế là hợp lý. Do thù lao HĐQT, ban kiểm soát năm 2016 chưa được HĐCĐ thông qua nên cổ đông chất vấn kinh phí hoạt động của lãnh đạo như thế nào, tại sao không đưa ra chi tiết cụ thể. Đỉnh điểm là khi cổ đông đã đề nghị HĐQT phải thu hồi số thù lao đã chi vượt cho các thành viên HĐQT và ban kiểm soát trong 3 năm từ 2013 - 2015.

Thực tế, mấy năm qua, nợ xấu là nỗi ám ảnh đối với ngân hàng này cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của ngân hàng bị bào mòn và cổ đông không có cổ tức. Năm 2016, nợ xấu của ngân hàng tăng lên 2.560 tỷ đồng (2,68%) và lợi nhuận trước thuế chỉ còn 391 tỷ đồng. Thù lao HĐQT năm 2016 là 10 tỷ đồng cho 9 người (1,11 tỷ đồng/người), thù lao ban kiểm soát 4,5 tỷ đồng và chi phí hoạt động 555 triệu đồng. Đến cuối năm 2016, ngân hàng còn lỗ lũy kế 463,109 tỷ đồng, do vậy ngân hàng cũng không chia cổ tức.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP.HCM cho hay, những thắc mắc của cổ đông về cổ tức, nhân sự HĐQT, thù lao, xử lý các tồn tại về kết quả hoạt động của EIB thời gian qua là chính đáng. “Xử lý các tồn tại không phải nói là một năm hay hai năm mà cần có thời gian để xử lý, phải có một cơ chế, chính sách và hợp lực của HĐQT”, ông Dũng nói. Như vậy, quá trình này của EIB sẽ cần thêm một thời gian dài nữa mà trong thời gian dài này, cổ đông của EIB có thể tiếp tục nhận cổ tức 0%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.