Sáng 28/3, tại phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình cầu Châu Đốc và đường dẫn vào cầu (thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP Châu Đốc), kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp.
Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ xây cầu.
“Đây là công trình thuộc hợp phần của dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc dài gần 21 km để kết nối với các tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp có tổng vốn đầu tư gần 2.131 tỷ đồng. Trong đó vốn Trung ương 1.493 tỷ đồng, vốn của tỉnh An Giang hơn 637 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2021-2024.
Riêng cầu Châu Đốc và hơn 3,5 km đường dẫn vào cầu được đầu tư tổng kinh phí xây lắp 534 tỷ đồng sẽ được thi công hoàn thành sau 33 tháng khởi công”, ông Nguyễn Văn Du - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp - chủ đầu tư, thông tin.
Công trình cầu Châu Đốc bắc qua sông Hậu, có chiều dài thiết kế 667 mét, rộng 14 mét nối liền TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu.
Mô hình cầu Châu Đốc.
Cũng theo ông Du, cùng với tuyến đường liên kết vùng, cầu Châu Đốc khi hoàn thành sẽ dần thông tuyến QL N1, kết nối các tỉnh nằm trên trục hành lang biên giới Tây Nam lại với nhau, rút ngắn thời gian đi từ Kiên Giang, An Giang đến TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới Tây Nam.
“Người dân rất phấn khởi, vui mừng khi hay tin cầu Châu Đốc khởi công. Cầu được hoàn thành thì TX.Tân Châu không còn là “ốc đảo” nữa, việc đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn”, chị Trần Thị Ngân (ngụ TX Tân Châu) nói vậy.
Ông Nguyễn Văn Cường (ngụ TP Châu Đốc) cho biết, khi có cầu Châu Đốc sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho du khách tham quan du lịch.
“Từ TP.HCM, du khách có thể đi một tour nhiều ngày qua nhiều tỉnh, sau đó ra TP. Phú Quốc (Kiên Giang) tắm biển, nghỉ ngơi rồi về.
Cung đường N1 này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch, mà còn có ý nghĩa liên kết vùng trong phát triển kinh tế, đưa ĐBSCL phát triển nhanh hơn”, ông Cường nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận