Chiều nay (27/7), Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đã dành nhiều thời gian nói về những bất cập trong việc triển khai vốn đầu tư công
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội
Cơ chế xin cho không biết khi nào mới kết thúc
Đại biểu Mai cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, có 3.467 dự án chuyển tiếp, song trong đó chỉ có 2.731 dự án có phương án bố trí vốn, còn lại chưa có phương án phân bổ cụ thể.
Điều này có thể dẫn hệ luỵ là lãng phí nguồn lực, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, đặc biệt tạo áp lực cho ngân sách giai đoạn tiếp theo khi có nhiều dự án mới bổ sung
"Vốn đầu tư công cần được hiểu là tiền thuế của Nhân dân, kể cả vốn đi vay thì người trả cũng là Nhân dân, không thuộc sở hữu của bất cứ cơ quan, tổ chức cá nhân nào", nữ đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong quá trình phân bổ nguồn lực đã có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn tự cho mình cái quyền "ban phát". Câu chuyện về cơ chế xin cho không biết khi nào mới kết thúc.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP. HCM) cho rằng, muốn triển khai tốt vốn đầu tư công, cần thẩm tra, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi triển khai các dự án đầu tư công, tính toán đầu tư vào những dự án có khả năng thu hồi vốn nhanh.
Ông Đức nhấn mạnh việc công khai, minh bạch, giảm thiểu các thủ tục hành chính phiền hà cho các doanh nghiệp, hạn chế những nhà thầu phụ…
Phân bổ vốn đầu tư công còn bình quân, thiếu trọng tâm
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội về thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận vẫn còn "tư duy nhiệm kỳ", lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho, trông chờ, ỷ lại Trung ương; thiếu chủ động, sáng tạo, chưa tận dụng hết các lợi thế trong phân cấp, ủy quyền; quyết định dự án còn thiếu liên kết với nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội, chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn.
Về triển khai vốn đầu tư công, ông Dũng thẳng thắn chỉ ra vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ; phân bổ vốn đầu tư công còn bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; trách nhiệm trong phối hợp xử lý công việc và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách còn chưa chặt chẽ.
"Còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, buông lỏng quản lý, dẫn tới tình trạng "trên nóng dưới lạnh", cùng một mặt bằng pháp luật nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt", ông Dũng nêu trong báo cáo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thông tin, trong triển khai đầu tư công, năng lực lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, nhất là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công... dẫn tới tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân, chậm quyết toán...
Đối với công tác giải ngân vốn, ông Dũng cho biết các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, thiếu công bằng.
Một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận