Chuyện dọc đường

Không ai mong làm thêm giờ!?

23/09/2019, 06:16

Với DN, “tay làm, hàm nhai; tay ngừng làm, hàm ngừng nhai”. Rời bỏ chân lý ấy, doanh nghiệp sẽ sụp đổ, người lao động sẽ không có việc làm.

img
CTCP May Sông Hồng hiện có trên 1 vạn lao động

CTCP May Sông Hồng hiện có trên 1 vạn lao động, chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn thuộc tỉnh Nam Định và xung quanh TP Nam Định. Tôi từng có thời gian khá dài tham gia quân đội, gần 50 năm tuổi Đảng và làm tại doanh nghiệp từ lúc sơ khai đến giờ, đã trên 31 năm.

Nên tôi sẽ chỉ nói những gì thật xác đáng và cần thiết, hoàn toàn không phải là tiếng nói vụ lợi, lạc lõng với mục đích đấu tranh giành giật quyền lợi cho riêng doanh nghiệp, cho địa phương hay chỉ cho ngành sản xuất hẹp của mình...

Quy luật sinh tồn, diệt vong hay đào thải của các doanh nghiệp cũng giống như quy luật giá trị trong kinh tế học vậy, tự bản thân nó tức khắc biết cách hiệu chỉnh mỗi khi quan hệ chủ - thợ ấy gặp trục trặc trên cơ sở có sự tham chiếu của pháp luật. Người lao động sẽ tìm được giá trị và những nhu cầu cuộc sống của mình thông qua giới chủ, thông qua doanh nghiệp nơi họ làm việc bởi rất nhiều người lao động trực tiếp còn là cổ đông của doanh nghiệp, họ vừa ở vai người chủ, vừa ở vai người lao động.

Về thời gian làm việc và thời gian làm thêm, tôi đề nghị xin thôi tranh cãi giữa 44 với 48 giờ làm việc mỗi tuần, hãy để như trước là được. Lý luận rằng để người lao động nghỉ nhiều hơn, sẽ tái tạo sức lao động để làm việc hiệu quả hơn nghe có vẻ rất nhân văn. Nhưng xin hỏi những người trong khu vực hành chính sự nghiệp đã có ai đủ sống cho mình và nuôi dạy con cái ăn học chỉ bằng chính đồng lương lương thiện ít ỏi ấy của mình không? Chắc chắn là không!

Liệu chúng ta có biết, ở nhiều cơ quan, mỗi ngày, nhân viên ở đó dành bao nhiêu thời gian cho công vụ, bao nhiêu thời gian để theo dõi giá trị cổ phiếu chứng khoán, bao nhiêu thời gian chat chít, buôn bán online, bao nhiêu thời gian trà lá, trò chuyện tầm phào?... Chỉ mong mau hết thời gian ở cơ quan để về còn bươn trải thêm, chỉ với mục đích tăng thêm được một chút thu nhập cho gia đình. Có mấy ai được nghỉ ngơi đâu sau giờ làm việc ở cơ quan, để rồi chỉ có việc ăn chơi để mà tái tạo sức lao động? Đấy là một thực tế ai cũng biết nhưng không nói ra mà thôi.

Với doanh nghiệp, “tay làm, hàm nhai; tay ngừng làm, hàm ngừng nhai”. Rời bỏ chân lý ấy, doanh nghiệp sẽ sụp đổ, người lao động sẽ rơi vào cảnh bần hàn. Không ai nuôi doanh nghiệp cả. Doanh nghiệp tự đi vay, tự trả tiền thuê đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị, sau khi trả nợ, trả tiền công, rồi nộp đủ các loại thuế, phí. Trừ một số rất ít doanh nghiệp có năng lực về kĩ thuật công nghệ hay lợi dụng được nguồn tài nguyên còn lại đang sống rất èo uột.

Về lương lũy tiến, thông thường, chỉ có trả lương theo sản phẩm lũy tiến chứ không ai trả lương thời gian lũy tiến cả. Nếu trả lương lũy tiến theo thời gian thì cực kì nguy hiểm bởi sẽ kéo theo sự bùng phát và dung dưỡng cho thói lười nhác, vô trách nhiệm, vô kỉ luật, vốn đang là điều tệ hại phổ biến; đồng thời triệt tiêu mọi động lực tích cực và chỉ tàn phá nhanh chóng mọi nguồn lực xã hội mà thôi.

Về thời gian làm thêm 400 hay 500 giờ/năm, thực lòng không ai mong muốn cả. Bất đắc dĩ mới làm như vậy bởi vật tư, hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường, luôn biến động. Khi kế hoạch sản xuất bị đảo lộn, nếu không làm thêm giờ ở một số thời điểm nào đó, không giao hàng kịp, hoặc bị phạt, hoặc phải vận tải bằng máy bay, như vậy coi như hết cả công lẫn lãi.

Vì các chi phí làm ngoài giờ về tiền công, năng lượng... rất cao, nên doanh nghiệp hoàn toàn không coi đó là khoảng thời gian làm việc nhằm thu thêm lợi nhuận như lâu nay nhiều người phê phán.

Khi làm thêm giờ, tiền công sản phẩm ngoài giờ trả cho người lao động không những cao hơn đơn giá bình thường mà còn không được tính vào chi phí giá thành, phải trừ vào lợi nhuận doanh nghiệp.

Lưu Thủy (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.