Theo tiến độ, Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây. Tuy nhiên, ngay trước “giờ G”, dự thảo vẫn gây nhiều tranh cãi nên hay không tăng khung giờ làm thêm từ 300 - 400 giờ/năm.
Ngáng chân DN, cản trở phát triển kinh tế?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, nhận định nếu được thông qua, dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi lần này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới “sức khỏe” của doanh nghiệp. Phân tích quy định khống chế giờ làm thêm, từ ngành dệt may, ông Dương cho biết: “Dệt may phụ thuộc hoàn toàn vào thời gian, giá cả do đó phải cho mở rộng khung thời gian làm thêm giờ để đáp ứng yêu cầu công việc. Nhiều doanh nghiệp nằm trong hệ thống của hiệp hội, đơn hàng nhập về kho rồi nhưng khi đối tác vào kiểm tra thấy khung giờ làm thêm chỉ có 300 giờ/năm, không đảm bảo thời gian để hoàn thành, họ sẵn sàng cho bốc đi ngay. Chúng ta ở xuất phát thấp, năng suất thấp mà không bù bằng thời gian làm việc thì doanh nghiệp không thể tồn tại được”.
Tương tự, ông Phạm Hồng Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Hà Nội cho biết, với những ngành chủ yếu sử dụng lao động từ khu vực nông thôn, miền núi như doanh nghiệp của ông thì rất khó tăng năng suất lao động. “Nếu những quy định trong dự thảo luật tăng thêm nhiều bất lợi, chúng tôi e ngại sẽ khó hợp tác với các đối tác nước ngoài do phải đảm bảo quá nhiều quy định về điều kiện làm việc, thời gian làm thêm…”, ông Việt nói.
Theo bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI), nếu Dự thảo BLLĐ sửa đổi được chính thức thông qua với hàng loạt các quy định “ngáng chân” doanh nghiệp sẽ tác động tiêu cực tới kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
“Hàng Việt Nam trước khi xuất sang các thị trường nước ngoài đã bị đánh trượt về điều kiện ngay trên chính “sân nhà Trong khi đó các quốc gia như Lào, Campuchia, Philippines vốn cùng trình độ phát triển kinh tế với Việt Nam nhưng lại đang được hưởng những quy định dễ dàng hơn của pháp luật lao động về thời gian làm việc, thời gian làm thêm…”, bà Minh phân tích.
Ngoài ra, theo bà Minh, nhiều quy định trong Dự thảo đang “rất mờ” và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng như: Quy định về kỷ luật lao động, sa thải lao động, các quy định về sử dụng lao động thuê lại…
“Trong bối cảnh chúng ta còn chưa giàu, năng suất lao động thấp, ý thức kỷ luật lao động kém… hãy tính đến khả năng sống còn của doanh nghiệp nếu không tạo điều kiện tương đối cho doanh nghiệp tồn tại và tuân thủ luật một cách nghiêm chỉnh. Và ở một góc nhìn khác, đó là lợi nhuận và doanh số, là sự khốc liệt của thị trường, là yêu cầu khắt khe của xuất khẩu hàng hóa… thì chính các doanh nghiệp mới là kẻ yếu thế.
Nếu không bảo vệ họ, thì hãy hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tồn tại. Sau khi họ đã đủ sức để trụ vững thì hãy tính đến việc tăng dần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Có lẽ, dự thảo luật đang đi ngược lại với mục tiêu phát triển kinh tế đất nước và thật sự tạo ra “lực cản” giảm động lực phát triển kinh tế”, bà Minh nhận định.
Luật phải hài hòa lợi ích các bên
Hai phương án quy định giờ làm thêm
Phương án 1: Giữ lại như quy định hiện hành, bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ/năm, trừ một số ngành, nghề, công việc trong trường hợp theo quy định của Chính phủ thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.
Phương án 2: Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 400 giờ/năm.
Trước ý kiến cho rằng, Dự thảo BLLĐ sửa đổi đã can thiệp quá sâu, quá thô bạo vào quan hệ lao động, trái với nền kinh tế thị trường, cản trở sản xuất kinh doanh, ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH (cơ quan chủ trì soạn thảo luật) khẳng định: Luật Lao động được bao trùm bởi 3 quan điểm chính: Thứ nhất, bảo vệ quyền lợi cơ bản của người lao động. Vì vậy, mới phải đặt ra quy định về tiền lương tối thiểu, thời giờ làm việc tối đa, trình tự thủ tục kỷ luật lao động, điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động…
Thứ hai, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sử dụng lao động với việc trao quyền xây dựng thang bảng lương, xây dựng nội quy trong DN…
Thứ ba, những vấn đề trong quan hệ lao động được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp giữa người lao động hoặc tổ chức đại diện của người lao động với người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Luật chỉ đưa ra những nguyên tắc để hai bên thỏa thuận, đàm phán.
Tuy nhiên, khi nhắc tới những quy định chi tiết về khung giờ làm, giờ làm thêm, cách tính lương tịnh tiến... đang được cho là không phù hợp với thực tiễn, ông Thiện nhận định: “Luật phải tổng hợp các yếu tố, hài hòa lợi ích của các bên, chứ không thể chỉ nhìn từ phía doanh nghiệp hay người lao động. Cụ thể, nhu cầu làm thêm giờ là có thực nhưng Nhà nước nhất thiết phải can thiệp, vấn đề can thiệp thế nào cho hợp lý. Nếu luật không đưa ra mức trần khống chế thì sẽ không đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động”.
Theo ông Thiện, hiện Dự thảo BLLĐ vẫn đang trong quá trình tiếp thu chỉnh lý. Dự thảo mới nhất sẽ được gửi về Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương để xem xét, lấy ý kiến từ doanh nghiệp và người lao động, trước khi trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 10 tới.
“Vì phạm vi quy định của BLLĐ rất rộng nên sẽ còn nhiều luồng ý kiến khác nhau từ quan điểm vị trí lợi ích khác nhau. Song, nổi lên 3 vấn đề lớn gây tranh cãi gồm: Điều chỉnh mốc giờ làm thêm; cách tính tiền lương lũy tiến; tổ chức công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, sau phiên họp thường vụ Quốc hội ngày 20/9, tới thời điểm này, dự thảo mới nhất đã không còn nhắc tới quy định trả lương lũy tiến. Riêng đối với giờ làm thêm, Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ trình ra 2 phương án để Quốc hội thảo luận và quyết định thông qua hình thức bấm nút tại nghị trường”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân:
Nghiêng bên nào cũng khó!
Trong sửa đổi BLLĐ lần này điều quan trọng nhất cần tính tới là làm sao để tạo sự cân bằng giữa người lao động và chủ sử dụng. Nếu nghiêng về bên nào sẽ dẫn tới khó khăn cho bên còn lại, cụ thể nếu nghiêng về phía người lao động sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam đã khó khăn càng khó khăn hơn, khi chi phí lao động tăng cao. Còn nếu nghiêng về phía doanh nghiệp thì lao động lại không đủ điều kiện để trang trải cuộc sống.
Chính vì vậy, theo tôi việc tính tiền lương làm thêm giờ không nên quy định cứng trong luật, mà để hai bên thỏa thuận. Đây là vấn đề do thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, người lao động đồng ý làm thêm nếu như thấy rằng sức khỏe đáp ứng được, còn doanh nghiệp nếu tính toán được các chi phí hợp lý để chi trả thu nhập cho người lao động thì mới tăng giờ làm thêm.
Tăng trần làm thêm giờ là đi ngược xu thế?
Nói về dự thảo BLLĐ mới nhất đã chỉnh lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp cuối tuần qua, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho biết, đến nay, một trong những vấn đề lớn được ĐBQH cũng như dư luận quan tâm là tăng khung giờ làm thêm.
Theo bà Thúy Anh, về việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm (trần làm thêm giờ) tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành), có ý kiến ủng hộ vì cho rằng việc tăng trần làm thêm giờ là xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp nhưng Ủy ban Về các vấn đề xã hội thấy rằng, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.
“Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Quá trình thẩm tra sửa đổi, bổ sung BLLĐ trước đây, đa số ý kiến thành viên Ủy ban luôn nhất quán quan điểm không tán thành tăng thời giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu”, bà Thúy Anh cho biết.
Tuy nhiên, do Chính phủ vẫn mong trình đề án nâng trần làm thêm giờ vào kỳ họp Quốc hội tới, nên Ủy ban Về các vấn đề xã hội xin đề xuất hai phương án để trình. Theo đó, nếu giữ khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là 300 giờ/năm, nhưng bổ sung các quy định: Khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng; các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 - 300 giờ. Còn nếu nâng trần làm thêm giờ lên 400 giờ/năm thì phải có danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm giờ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không đồng tình về việc tăng trần làm việc thêm giờ tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ. Bà Hải phân tích, việc tăng trần làm thêm giờ là nhu cầu xuất phát từ cả hai phía. Tuy nhiên, lợi ích mà giới sử dụng lao động đạt được lớn hơn so với người lao động.
“Theo quan điểm của Ban Dân nguyện, người lao động hay người sử dụng lao động đều là người dân, nhưng người lao động yếu thế hơn. Do đó, tôi nghĩ không thể tăng được, bởi điều này sẽ đi ngược xu thế của thế giới, chúng ta cần phải tính toán đến đời sống, sức khỏa người lao động. Nếu người lao động có nhu cầu tăng làm thêm giờ chỉ là nhu cầu miếng cơm manh áo nhất thời, còn thực chất, người lao động cần có tinh thần sảng khoái, giữ thể lực tốt, làm việc ở mức độ vừa phải mới có năng suất lao động cao”, bà Hải nhìn nhận.
An Na
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận