ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng |
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016 sẽ được Quốc hội thực hiện giám sát tối cao tại kỳ họp diễn ra vào cuối tháng 10 tới. Hội nghị T.Ư 6 khai mạc đầu tuần này cũng sẽ bàn về vấn đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội để làm rõ hơn vấn đề này.
Chờ người chuyển đi, người về hưu để giảm biên chế
Có ý kiến cho rằng, đến thời điểm này có thể khẳng định mục tiêu đến năm 2020 giảm 15% biên chế là không đạt được. Số lượng biên chế giảm nhỏ giọt trong khi bộ máy có xu hướng phình ra, theo ông nguyên nhân do đâu?
Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, một là, do quyết tâm chính trị của cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương. Hai là, có sự lúng túng trong triển khai thực hiện, không biết “gỡ mối bòng bong” đã có từ lâu bắt đầu từ khâu nào, vì tình trạng này đã tồn tại nhiều năm. Ba là, có tình trạng nể nang, vì có nhiều đối tượng trong cơ quan, đơn vị thuộc diện “con ông cháu cha” dẫn đến e ngại hoặc thỏa hiệp nhóm. Bốn là, vẫn còn tình trạng ngồi chờ xem các nơi khác họ làm thế nào rồi mới tiến hành thực sự.
Năm là, có nơi còn chờ… một số người nghỉ hưu để tính thành tích giảm biên chế. Ngoài ra, còn có sự giải thích theo kiểu có lợi để lợi dụng chủ trương nêu trong Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị: “Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Trước mắt, giữ ổn định tổ chức như hiện nay. Không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn. Tức là họ bám vào cái “cá biệt” và “thật sự cần thiết” ấy để xin bộ máy, xin biên chế.
Thực tế cho thấy, dù đã thực hiện cắt giảm bộ máy, số lượng bộ, cơ quan ngang bộ giảm so với trước, nhưng số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng lại phình ra. Theo ông, có phải vì việc cắt giảm đã làm theo kiểu cơ học mà không tính đến các yếu tố khác?
"Do tâm lý ngại va chạm nên các cơ quan, tổ chức các cấp, các ngành chưa thực hiện nghiêm túc các chủ trương, Nghị quyết của T.Ư về quản lý biên chế và tinh giản biên chế. Nhiều cấp ủy, tổ chức, người đứng đầu các cấp chưa có quyết tâm chính trị cao, chưa có giải pháp đồng bộ, phù hợp, đủ mạnh để thực hiện, chưa xây dựng được cơ chế đánh giá cán bộ khoa học. Việc bố trí sử dụng cán bộ vẫn còn có tình trạng “có lên không có xuống”, “có vào không có ra”, “biên chế suốt đời”, “chủ nghĩa bằng cấp”, thiếu cơ chế cạnh tranh trong đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ…”. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng |
Chúng ta có 22 bộ, cơ quan ngang bộ nhưng lại có tới 198 đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng. Có không ít tổng cục được tổ chức không khác gì bộ, cũng với nhiều cấp vụ, cấp phòng. Điều đó dẫn tới tình trạng bộ trong bộ.
Việc sắp xếp lại các bộ thành các bộ đa ngành, đa lĩnh vực vẫn còn tính chất lắp ghép cơ học, chưa đi liền với việc điều chỉnh chức năng, cắt giảm nhiệm vụ của các bộ. Việc hình thành các bộ đa ngành chưa đi liền với việc sắp xếp lại cơ cấu bên trong của mỗi bộ, cơ quan ngang bộ, mới chỉ hợp nhất, giảm được đầu mối ở một số đơn vị có nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp chung... Cùng với đó, cơ cấu bên trong các bộ lại đang có xu hướng phình to hơn và tăng thêm biên chế hành chính. Một số bộ thực hiện việc sáp nhập với nhau theo hình thức nguyên trạng, các đơn vị trong các bộ cũ, tổng cục cũ, ban cũ hầu như vẫn giữ nguyên, thậm chí cả về tên gọi của một số cơ quan trước đây trực thuộc Chính phủ sau khi đã nhập vào bộ.
Quá trình tinh giản bộ máy vừa qua rất ít sàng lọc, thu hút người tài, mà chủ yếu chờ người chuyển đi, người về hưu để giảm số biên chế. Lẽ ra, việc cần phải tiến hành mạnh mẽ là rà soát lại tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, tái cấu trúc bộ máy cùng với sàng lọc, đánh giá chất lượng công chức… nhưng những việc này đã không được làm thực chất.
Một việc phải trải qua quá nhiều cấp hành chính
Có ý kiến cho rằng, bộ máy cồng kềnh là do có quá nhiều bộ phận trung gian, một cơ quan tổ chức làm nhiều việc nhưng những việc đó lại do nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm. Theo ông, tới đây việc này phải thay đổi thế nào?
Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã nêu rất rõ: “Sớm hoàn thành việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội để làm căn cứ xác định biên chế phù hợp. Rà soát trình độ đào tạo, năng lực của công chức, viên chức để có kế hoạch sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ. Có biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định (phẩm chất, năng lực, sức khỏe), những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức”.
Tôi nghĩ chỉ cần bám vào chủ trương này là đã đạt 50-60% yêu cầu rồi. Cái còn lại là vấn đề trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, cơ chế kiểm tra, giám sát của cấp trên, của người dân.
Với bộ máy như hiện nay, nếu không được tinh giản, tổ chức lại thì ngân sách không thể kham nổi, người dân phải đóng thuế ngày càng cao để nuôi bộ máy. Điều cần làm nhất bây giờ là gì?
Bộ máy của chúng ta đang rất nặng về phối hợp, hình thành nên các cơ quan có vùng chồng lấn, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ. Chính đặc điểm này đã làm phát sinh nhiều cơ quan trung gian. Đây là nguyên nhân làm bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả.
Thông thường chúng ta giao đầu mối phân cấp quản lý mà chưa tính cơ cấu bên trong, nên vừa qua đầu mối không tăng nhiều nhưng bên trong lại tăng nhiều cục, chi cục, phòng. Hiện một việc phải trải qua quá nhiều cấp hành chính nên cần tiến tới phân cấp mạnh hơn, như ở địa phương thì giao theo thẩm quyền chuyên môn chứ không “đùn” việc lên trên, từ đó cũng giúp giảm bộ máy. Ngoài ra, về đối tượng tinh giản, cần mở rộng và có sàng lọc cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Các nghị quyết, chủ trương về tinh giản biên chế đã quá đầy đủ và rõ ràng, nhưng biên chế không giảm được mà còn tăng là điều rất khó chấp nhận. Nếu cứ duy trì mãi bộ máy cồng kềnh, khó có ngân sách nào kham nổi.
Cảm ơn ông!
Theo số liệu của Ban Tổ chức T.Ư về tình hình thực hiện biên chế từ năm 2014 - 30/10/2016, năm 2014 tổng số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước của các tổ chức trong hệ thống chính trị là 3.685.961 người. Các cơ quan quản lý biên chế của T.Ư giao năm 2016 là 3.725.559 người. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/10/2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị là 3.734.302 người, vượt 8.743 người so với số được giao. Tại kỳ họp Quốc hội giữa tháng 6 vừa qua, khi thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015, nhiều ĐB đã bày tỏ lo ngại khi chi thường xuyên năm 2015 tăng 1,5% so với dự toán, vượt 11.500 tỷ đồng, năm 2016 theo báo cáo kết quả thực hiện ngân sách chi thường xuyên vẫn là 64,45%. Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính, để giảm chi, cần phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. “Hai năm vừa qua, biên chế của chúng ta không giảm mà còn tăng. Cùng đó, chi thường xuyên cũng tăng lên, năm 2016 tăng so với năm 2015 là trên 50.000 tỷ đồng, năm 2017 tăng so với năm 2015 là 114.000 tỷ đồng”, ông Chính nói. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận