Quản lý

“Không có chuyện phí chồng phí” trên quốc lộ

25/05/2015, 06:01

Thu phí sử dụng đường bộ tại các dự án BOT để hoàn vốn cho nhà đầu tư, không có chuyện phí chồng phí”

71
Trạm thu phí trên Cao tốc Hà Nội - Lào Cai - Ảnh: K.Linh

Đánh giá chủ trương xã hội hóa để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông là hoàn toàn đúng đắn, ĐBQH Bùi Đức Thụ khẳng định: “Việc thu phí bảo trì đường bộ dùng để bảo dưỡng hệ thống đường giao thông do nhà nước đầu tư bằng ngân sách, còn phần thu phí sử dụng đường bộ tại các dự án BOT để hoàn vốn cho nhà đầu tư, do đó không có chuyện phí chồng phí”.

Xã hội hóa mọi nguồn lực là rất cấp thiết

Trao đổi với Báo Giao thông, ĐBQH Bùi Đức Thụ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, Việt Nam là nước có xuất phát điểm về cơ sở hạ tầng giao thông rất thấp, để tạo môi trường hấp dẫn đầu tư cũng như tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH thì phải đột phá xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Đây là chủ trương lớn, một trong những quốc sách hàng đầu được Đảng và Nhà nước đặt ra.

"Hiệu quả của các dự án BOT giao thông trong thời gian qua đã thấy rõ bởi khi các công trình này được đưa vào khai thác đã giảm được rất nhiều thời gian đi lại, chi phí vận chuyển,… cho người dân và doanh nghiệp trên nhiều tuyến đường. Điển hình như cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành và đưa vào sử dụng, rõ ràng hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu qua con đường này với thời gian ngắn hơn, các lái xe hạch toán chi phí hiệu quả hơn, an toàn hơn, kịp thời hơn… Đó là những bằng chứng rõ ràng chứng minh hiệu quả của việc đầu tư giao thông bằng vốn xã hội hóa, một hình thức rất nên khuyến khích và nhân rộng”.

ĐBQH Bùi Đức Thụ
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Để hiện thực hóa mục tiêu này, nếu chúng ta chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách hay TPCP thì không thể thực hiện được, bởi nhu cầu nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông ở nước ta rất lớn. Chính vì vậy, phải xã hội hóa mọi nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông. Trong đó, các hình thức đầu tư đối tác công tư như: BOT, BT,… là rất cần thiết để thu hút nguồn vốn tư nhân tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.

“Thời gian qua, một số cử tri nói phí giao thông đã thu trên đầu phương tiện rồi, nhưng khi đi vào các tuyến đường thực hiện bằng hình thức BOT lại phải nộp thêm một khoản phí nữa, chúng ta cần làm rõ điểm này có phải phí chồng phí không”, ông Thụ đặt vấn đề và phân tích, phí thu trên đầu phương tiện là để xây dựng quỹ duy tu, bảo dưỡng đối với hệ thống đường giao thông do nhà nước đầu tư bằng ngân sách hay trái phiếu Chính phủ. Trong khi, với các tuyến đường BOT do doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư xây dựng thì họ thu phí để hoàn vốn và một phần lợi nhuận định mức là chuyện đương nhiên.

“Khi chúng ta phân tích kỹ mọi yếu tố thì có thể thấy rằng, không có chuyện phí chồng phí nào cả”, ông Thụ khẳng định.

Đồng quan điểm với ông Thụ, đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, khi nhà đầu tư bỏ tiền để xây dựng những con đường thì họ tiến hành thu phí để bù đắp lại chi phí đầu tư, thu hồi vốn là hoàn toàn hợp lý.

Theo ông Phúc, tác động tích cực nhất mà các dự án BOT giao thông đem lại là người dân và nhà nước sẽ được hưởng lợi đầu tiên. “Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, Nhà nước chưa có vốn để đầu tư nhưng vẫn có được những công trình giao thông chất lượng để phát triển KT-XH và nhà nước có thể dùng ngân sách để đầu tư vào các công trình khác, đặc biệt là giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho người dân. Bên cạnh đó, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta có nhiều công trình giao thông hiện đại đạt chất lượng tốt đem lại sự thuận tiện cho người dân, đó là thành quả rất đáng ghi nhận”, ông Phúc nhấn mạnh.

Các trạm thu phí đều đúng quy định

Theo chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh hợp tác theo hình thức đối tác công tư (PPP) và đầu tư không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đã và đang triển khai 68 dự án theo hình thức BOT. Trong đó, 20 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng, tiến độ đầu tư các dự án được rút ngắn. Bên cạnh đó, bằng các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, Bộ GTVT đã đưa vào sử dụng hàng nghìn km đường bộ, với khoảng 700 km đường cao tốc gồm: Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây,... các cầu quy mô lớn như: Cổ Chiên, Rạch Miễu, Việt Trì mới, các cảng hàng không T2 Nội Bài, Phú Quốc, Vinh…

Các tuyến đường được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đã rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách, tiết kiệm nhiên liệu cho người sử dụng. Như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây ước tính giảm 50% thời gian đi lại và giảm 30% chi phí; QL1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại, giảm khoảng 20% chi phí. Đối với QL14 (đoạn từ Pleiku - Cầu 110) tỉnh Gia Lai, lợi ích mang lại khoảng 244 tỷ đồng/năm, trong khi doanh thu từ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 167 tỷ đồng/năm; QL14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông, lợi ích mang lại khoảng 104 tỷ đồng/năm, trong khi doanh thu từ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 79 tỷ đồng/năm...

Theo Bộ GTVT, hiện nay, trên các tuyến quốc lộ trong cả nước có 96 trạm thu phí đang hoạt động và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cụ thể, có 45 trạm thu phí đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT và  51 trạm thu phí chưa thu, đã thống nhất ký hợp đồng BOT và sẽ thu phí cho các dự án BOT sau khi hoàn thành.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, theo quy định của Thông tư 159 năm 2003 của Bộ Tài chính, trong trường hợp các trạm thu phí trên cùng tuyến đường không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km, Bộ GTVT xin ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định đối với đường quốc lộ, UBND tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định. Trên thực tế, các dự án giao thông có rất nhiều điểm đặc thù, ví dụ như dự án hầm, dự án các cầu thay thế các cầu phao, dự án đường bộ đi qua các vùng đông dân cư, không thể áp dụng điều kiện đặt các trạm thu phí đáp ứng là 70 km.

“Mặt khác, trong quá trình xem xét, phê duyệt các dự án BOT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã xem xét tính toán, phân tích rất kỹ các phương án đầu tư, đặc biệt là phương án tài chính và tính thuận lợi của người tham gia giao thông, từ đó xem xét quyết định tính hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng”, ông Quốc nói và cho biết, việc tính toán thu phí các trạm thu phí BOT phải dựa trên rất nhiều các yếu tố, như là quy mô đầu tư của dự án, tổng mức đầu tư của dự án,… tuy nhiên, mức thu phí cũng phải nằm trong khung mức thu phí của Bộ Tài chính. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.