Bản đề xuất khác thường
Khác với các nghị quyết tiếp tục phân bổ ngân sách hoạt động cho các cơ quan liên bang trong một giai đoạn cụ thể, kế hoạch do ông Johnson công bố bao gồm ngân sách phân bổ cho một số cơ quan của Chính phủ Mỹ tới ngày 19/1 và cho các cơ quan khác tới ngày 2/2.
Cụ thể, kế hoạch bao gồm các khoản ngân sách cho xây dựng quân sự, phúc lợi cựu chiến binh, giao thông vận tải, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, các chương trình về năng lượng, cung cấp nước tới ngày 19/1 và phân bổ ngân sách cho các hoạt động khác của chính phủ liên bang tới ngày 2/2.
Tuy nhiên, dự thảo ngân sách tạm thời lại vắng bóng các điều khoản ngân sách bổ sung để viện trợ cho Israel và Ukraine.
Trong một thông báo đưa ra sau khi công bố kế hoạch, ông Johnson khẳng định nghị quyết này là dự luật cần thiết để giúp các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Hạ viện ở vào vị thế tốt nhất nhằm giành được thắng lợi cho phe bảo thủ.
Song, sau khi ông Johnson công bố kế hoạch trên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết đề xuất “chỉ là công thức khiến Đảng Cộng hòa thêm hỗn loạn và dẫn đến khả năng chính phủ đóng cửa thêm nhiều lần”.
Bà Jean-Pierre cũng cáo buộc các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang lãng phí thời gian quý giá cho một bản đề xuất thiếu nghiêm túc.
Nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa và Dân chủ đều phản đối
Bên cạnh đó, nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng đã lên tiếng phản đối bản kế hoạch.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X (Twitter), nghị sĩ Đảng Cộng hòa Chip Roy cho rằng bản kế hoạch ngân sách mới cần bao gồm các biện pháp cắt giảm chi tiêu. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Brian Schatz thuộc Đảng Dân chủ chỉ trích bản dự thảo này đưa ra các khoản chi tiêu vô lý và lãng phí tiền thuế.
Theo Guardian, Hạ viện Mỹ (do Đảng Cộng hòa chiếm đa số) và Thượng viện Mỹ (do Đảng Dân chủ kiểm soát) cần thông qua dự luật chi tiêu và dự luật cần được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành thành luật trước ngày 17/11 - thời hạn các khoản phân bổ ngân sách tạm thời cho hoạt động của Chính phủ Mỹ cạn kiệt.
Nếu dự luật không được thông qua, Chính phủ Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ đóng cửa một phần lần thứ 4 trong một thập kỷ. Khi đó, các công viên quốc gia sẽ phải đóng cửa, 4 triệu nhân viên liên bang đứng trước nguy cơ chậm lương, nhiều hoạt động từ giám sát tài chính cho tới nghiên cứu khoa học cũng sẽ bị gián đoạn.
Trước đó, người tiền nhiệm của ông Johnson là Kevin McCarthy đã bị nhóm 8 nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn phế truất khỏi chức vụ Chủ tịch Hạ viện sau khi ông McCarthy thúc đẩy một dự luật ngăn chặn khả năng Chính phủ Mỹ đóng cửa vào ngày 1/10.
Nhóm đảng viên Cộng hòa cực hữu tức giận do dự luật không có những điều khoản cắt giảm chi tiêu mạnh tay như họ yêu cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận