Xã hội

Không còn chuyện đập bát ăn, làng Vân đón người mới

23/04/2022, 18:00

Gần 10 năm sau khi chuyển đến nơi ở mới, những người từng bị bệnh phong ở làng Vân đã có cuộc sống mới.

Làng cũ ngày xưa giờ cũng sắp trở thành điểm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao.

img

Cuộc sống bình yên của người làng Vân sau gần 10 năm hòa nhập cộng đồng,

Khắc khoải nhớ làng

Chiều muộn, ông Đỗ Ngọc Ái (Phó ban Công tác mặt trận Tổ dân phố số 9, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bước chậm rãi ra bãi biển Xuân Thiều. Ông Ái hướng mắt về hướng chân núi Hải Vân, nơi làng Vân tọa lạc hồi tưởng lại chút kỷ niệm với vùng đất đã gắn bó hàng chục năm.

Gần 10 năm tròn chuyển vào trung tâm thành phố sinh sống, ông Ái vẫn giữ thói quen ra bãi biển ngóng về làng cũ. “Làng Vân là mảnh đất cưu mang, che chở cho những người mắc bệnh phong như chúng tôi suốt mấy mươi năm”, ông Ái bộc bạch.

Ông Ái quê gốc TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Năm 1980, khi mới 22 tuổi, ông bị phát hiện mắc căn bệnh quái ác. Để chạy trốn sự kỳ thị của xã hội, ông Ái ra làng Vân sinh sống với những người cùng cảnh ngộ.

Làng Vân, nơi chất chứa ký ức một thời của những người mắc bệnh phong thuở trước giờ được quy hoạch xây dựng Khu phức hợp du lịch và nghỉ dưỡng Làng Vân.
Theo quy hoạch và chủ trương chung của Đà Nẵng, dự án trong tương lai sẽ sở hữu không gian kiến trúc văn minh, mỹ quan, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ đẳng cấp 5 sao. Tổng vốn đầu tư của dự án Làng Vân dự kiến 35.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án Làng Vân sẽ góp phần hình thành cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, đô thị cao cấp, tạo thêm sản phẩm dịch vụ du lịch đẳng cấp, góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương.


Làng Vân tựa lưng vào núi, hướng mặt ra biển, biệt lập với các khu dân cư bên ngoài trở thành nơi dừng chân của những người không may mắc bệnh phong sau chặng đường dài chạy trốn sự hắt hủi của người đời.

Cũng như hàng chục người mắc bệnh đã ở sẵn trong làng, ông Ái gầy dựng vườn tược, nhà cửa, nuôi bò, vừa sinh sống vừa điều trị bệnh.

Là một trong những người lớn tuổi nhất của làng Vân ngày ấy, bà Nguyễn Thị Nga (79 tuổi, quê Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vẫn không quên làng cũ, những ngày sống cùng ruộng vườn.

Bà Nga kể, năm bà hơn 30 tuổi thì phát hiện mắc bệnh rồi ra làng Vân sinh sống. Thời đó, làng Vân đã có hơn chục nóc nhà, người dân đùm bọc lấy nhau, nhà ai cũng có ruộng, vườn, nuôi gia súc.

Sau gần 40 năm lập làng, dân số làng Vân thời điểm cao nhất hơn 300 người với khoảng 80 nóc nhà. Ở làng Vân, những người mắc bệnh không lo sợ sự kỳ thị của bên ngoài, họ sống bình yên, có những người vì cảm thương nhau đã đến với nhau gây dựng hạnh phúc.

10 năm về nơi ở mới, những người làng Vân năm ấy giờ ở tuổi xế chiều vẫn khắc khoải nhớ vùng đất cũ. Những người còn khỏe mạnh vẫn giữ vài thuyền thúng ngoài làng Vân, vài ba ngày lại ra làng cũ kéo cá, vừa đỡ nhớ làng, vừa làm kế sinh nhai.

Cụ ông Nguyễn Văn Xứng (85 tuổi), từng là Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Hòa Vân (làng Vân) cho biết, năm 2012, khi người làng Vân đã được chữa khỏi bệnh, chính quyền Đà Nẵng chọn tổ 13, 14 (nay là tổ 9) phường Hòa Hiệp Nam xây những căn nhà kiên cố, vận động người làng Vân vào sinh sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Để người dân đồng thuận đến nơi ở mới, chính quyền liên tục vận động, chỉ ra cái thuận lợi khi vào trung tâm. Ở đó, mấy đứa trẻ sẽ được học hành đàng hoàng, người dân đau ốm cũng có hệ thống y tế ở gần chăm sóc…

“Ngày 25/8/2012 là thời điểm lịch sử khi toàn bộ cư dân làng Vân vào nơi ở mới. Thế nhưng khi di dời, nhiều hộ chọn cách đi nơi khác sinh sống để tránh tiếng là người của làng phong nên nơi ở mới của người làng Vân chỉ còn một nửa dân số”, cụ Xứng nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Nga cũng nhớ lại, thời điểm mới vào thành phố, sự kỳ thị của người xung quanh đối với người làng Vân vẫn còn nặng nề.

“Lúc mới đến, tôi cũng thử đi ra ngoài để xem cuộc sống bên ngoài thế nào sau 30 năm ở làng Vân. Hồi đó tôi vào quán bún bên đường để ăn, nhưng ăn xong, chủ quán biết mình là người làng Vân lên thì lập tức đập bỏ cái tô mà mình vừa ăn. Từ đó tôi không dám ra ngoài nữa”, bà Nga nhớ lại.

Hay như con em làng Vân khi vào trung tâm đi học thời điểm đó vẫn bị kỳ thị, những đứa trẻ chỉ có thể tự chơi với nhau chứ không có bạn bè bên ngoài.

“Nhưng đó là chuyện cũ, giờ đã khác rồi!”, ông Ái, bà Nga đồng thanh nói.

Làng Vân có người mới

img

Nơi ở của người làng Vân hiện nay là những ngôi nhà liền kề, kiên cố, đường sá rộng mở

Những ngày này, đi dọc các tuyến đường Xuân Thiều 21, Xuân Thiều 22 - nơi người dân làng Vân cũ sinh sống, đã mang diện mạo khác. Những căn nhà liền kề với màu sơn xanh ấn tượng, trước nhà trồng nhiều hoa lá. Chiều tà, những đứa trẻ gọi nhau í ới, đạp xe, chạy nhảy trên đường.

Ngày trước, cả trăm căn nhà chỉ có người làng Vân sinh sống, nay nhiều người cũng đến mua nhà, mua đất sống cạnh người làng Vân. Chỉ tay vào ngôi nhà cạnh nhà mình, ông Đỗ Ngọc Ái cho biết, đó là gia đình một quân nhân, họ mua nhà ở đây đã mấy năm, rất hòa đồng với mọi người. Những người dân khác khi đến đây sinh sống cũng chan hoà với người làng Vân.

“Bây giờ người ta biết mình đã hết bệnh, bệnh này cũng không truyền nhiễm nên không còn chuyện kỳ thị nữa, làng xóm sống chan hòa nên bà con rất vui”, ông Ái chia sẻ.

Theo ông Ái, cái được nhất khi ở trong thành phố là đau ốm có bệnh viện ở gần, được chăm sóc y tế đầy đủ. Không như ngày trước, mỗi lần trong làng có người đau ốm là phải khiêng võng băng rừng đến trạm xá.

Thế hệ sau của người làng Vân chuyển về đây cũng có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Người trẻ có công ăn việc làm ổn định, hầu hết đi làm công nhân tại KCN Hòa Khánh, có người chạy xe ôm công nghệ… Còn người lớn tuổi thì được nhà nước hỗ trợ hơn 1,2 triệu đồng/tháng chi phí sinh hoạt, ăn uống.

Ông Nguyễn Nhường, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho hay, đến nay người làng Vân đã hòa nhập cộng đồng, con em đều khỏe mạnh, học tập, làm việc bình thường. Còn những người lớn tuổi thì đều có chế độ chính sách hỗ trợ, trang trải cuộc sống.

Làng Vân bắt nguồn từ một trại nhỏ được thành lập vào năm 1968 để chăm sóc những bệnh nhân nhiễm virus Hansen.

Về sau, nhiều người làng Vân bén duyên với nhau tại đây rồi sinh con, thêm những cuộc đoàn tụ của thân nhân bệnh nhân phong nên dân số ở đây ngày càng đông, hình thành nên một ngôi làng trù phú.

Về sau, làng Vân được công nhận là một đơn vị hành chính của Đà Nẵng với cái tên thôn Hòa Vân. Từ năm 1998, bệnh nhân phong ở làng Vân được điều trị khỏi hoàn toàn và được tái hoà nhập cộng đồng. Từ đó đến nay chưa phát hiện bệnh nhân mới mắc bệnh phong.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.