Tài chính

Không để lãi vay ngân hàng thành “tín dụng đen Nhà nước”

10/04/2019, 06:55

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đề ra một loạt biện pháp để tăng cường tín dụng lĩnh vực tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen...

img
Ngân hàng Nhà nước đề ra nhiều biện pháp tăng cường tín dụng lĩnh vực tiêu dùng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đề ra một loạt biện pháp để tăng cường tín dụng lĩnh vực tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú (ảnh bên) trao đổi với PV Báo Giao thông sáng 9/4 về nội dung này.

Không thể để “tín dụng đen nhà nước”

Mục đích tăng cường tín dụng lĩnh vực tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, theo phản ánh Báo Giao thông, tín dụng tiêu dùng được các NH và công ty tài chính cho vay với lãi suất lên tới 80%/năm, như vậy có phải quá cao?

Không thể phủ nhận vai trò của các công ty tài chính nhưng nếu không có quy định pháp lý rõ ràng sẽ dễ nảy sinh tình trạng lãi suất quá cao như tín dụng đen, không thể để người ta nói đây là “tín dụng đen Nhà nước”. Ngoài ra, vấn đề một số công ty tiếp tay xã hội đen đòi nợ thuê, cũng phải quản lý, siết chặt lại. NHNN đang dự thảo sửa Thông tư 43, tạo điều kiện cho công ty tài chính phát triển nhưng trong khuôn khổ, có giám sát để đảm bảo quyền lợi của người dân, đảm bảo môi trường lành mạnh cho công ty tài chính và đảm bảo quản lý Nhà nước với các công ty này.

Nhưng luật đang cho phép được thỏa thuận lãi suất?

Lãi suất các công ty tài chính đang thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng, được thỏa thuận với người vay. Nhưng đứng ở góc độ nào đó, lãi suất cao quá thì người vay cũng thấy không hợp lý. Do đó, Thông tư 43 phải sửa theo hướng lãi suất phù hợp nhưng vẫn phải theo đúng luật.

Có thể đưa ra một khung lãi suất để công ty tài chính áp dụng hay không?

Bây giờ chưa thể nói có khung được vì không thể sử dụng biện pháp hành chính. Nhưng biện pháp quản lý gián tiếp như thế nào để cho các công ty tài chính không thể đẩy cao lãi suất lên được hoặc phải có giải pháp phù hợp. Khi sửa Thông tư 43, cần phải xử lý hai nội dung gồm lãi suất và tổ chức tín dụng hợp tác với tín dụng đen đòi nợ.

img
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Không phải cứ có vốn là được cho vay lấy lãi

Có ý kiến cho rằng, hướng sửa của Thông tư 43 đang hạn chế tín dụng tiêu dùng từ công ty tài chính, ông nghĩ sao về điều này?

Quan điểm của NHNN là không hạn chế. Tôi vẫn nói không thể phủ nhận vai trò của các công ty tài chính với cho vay tiêu dùng vì nó giải quyết trực tiếp nhất những nhu cầu vay của người dân nhưng làm sao ngăn chặn mặt trái như lãi suất lên quá cao vì cao quá thì ngay cả đạo đức xã hội, dư luận xã hội cũng không chấp nhận lãi suất như vậy.

Do đó, NHNN đang điều chỉnh. Dự thảo sửa đổi Thông tư 43 tạm thời mới đưa ra để xin ý kiến về tỷ lệ giải ngân bằng tiền mặt, cho vay trực tiếp bằng tiền mặt hay nhiều phương án khác để quản lý tốt hơn.

Có đề xuất nên mở rộng thêm đối tượng cho vay bởi ngoài công ty tài chính những công ty có vốn tự có, vốn huy động cổ đông (không phải huy động vốn từ dân cư)... thì nên quy định điều kiện để các công ty này được phép cho vay vốn. Khi nguồn cho vay dồi dào thì sẽ tự khắc đẩy lùi tín dụng đen?

Tổ chức đứng ra cho vay thì phải nói rằng kinh doanh tiền tệ phải tuân theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Mà theo Luật Các tổ chức tín dụng phải đáp ứng các điều kiện mới được coi là tổ chức tín dụng thì mới được cho vay. Không phải cứ có tiền là được đem đi cho vay lấy lãi, dù nguồn vốn ấy không phải huy động từ dân.

Về phía các NH, làm sao để đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng hơn từ nguồn vốn ngân hàng?

Bây giờ không phải thiếu vốn, vài nghìn tỷ không phải thiếu so với NH hiện nay, kể cả NHTMCP. Còn lãi suất thì theo thị trường, kể cả NH Chính sách xã hội cũng là lãi suất thị trường nhưng là thị trường của Nhà nước chứ không phải thị trường xã hội đen. Tức là mức lãi suất phải bù đắp chi phí NH.

Nguồn lực cho vay tiêu dùng với NHTM vẫn được chú trọng. Đến nay dư nợ cho vay tiêu dùng, cho vay đời sống khoảng 150 nghìn tỷ đồng và tốc độ tăng rất nhanh, các NHTM cơ bản đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Tuy nhiên, vốn của NHTM cho các đối tượng này thì còn thiếu. Vốn ưu đãi từ Nhà nước để cho vay các đối tượng có tính chất ưu đãi thông qua NH Chính sách xã hội hoặc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) cũng mong có sự ủng hộ của nhiều cấp, ngành tạo điều kiện tăng thêm, trước hết là các nguồn vốn của NH Chính sách xã hội hoặc các nguồn vốn tăng thêm vốn điều lệ cho các NHTM tạo điều kiện cho các NHTM hiện nay nhất là NHTM Nhà nước mở “room” tín dụng chứ nếu không đủ vốn điều lệ thì cũng rất khó khăn.

Cho vay nhưng không tiếp tay cho lô đề

NHNN đã chỉ đạo Agribank triển khai gói tín dụng 5 nghìn tỷ đồng, liệu thời gian tới có thêm gói tín dụng nào như thế nữa không?

Theo số liệu từ NHNN, tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng trong 5 năm qua bình quân là 38%/năm trong khi tốc độ tín dụng chung cho nền kinh tế là 14%/năm. Cá biệt, năm 2015 tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng tăng tới tới 63,8%. Đến năm 2018 mức tăng này vẫn gần 30%. Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng cao như: Lâm Đồng 57,72%, Thái Bình hơn 55%, Bình Thuận 50,49%, TP HCM 49,96%, Đà Nẵng 40,31%...

Gói tín dụng 5 nghìn tỷ đồng của Agribank chỉ là con số đại diện thôi chứ dư nợ hàng nghìn tỷ đồng thì rất lớn. 5 nghìn tỷ đồng này là con số thể hiện địa chỉ, nội dung cụ thể xử lý nhu cầu thực tế, giải quyết tín dụng đen trong ngắn hạn. NH Chính sách xã hội cũng vừa trình Thủ tướng xin tăng cường thêm gói tín dụng thoát nghèo. Theo đó, phương tiện thực hiện cho vay và sửa Nghị định 28 quy định lại đối tượng cho vay thoát nghèo để không tái nghèo.

NHNN có những biện pháp nào nữa để đẩy lùi tín dụng đen tại các địa phương?

Sau khi khảo sát tại 8 tỉnh, nhất là vùng Tây Nguyên, NHNN đã có văn bản gửi đi tất cả các tỉnh, thành phối hợp, trong đó cần sự phối hợp của các tổ chức chính trị xã hội, làm thế nào dân tiếp cận nhanh nhất, thời gian, thủ tục quá trình giải quyết cho vay để dân có nhu cầu đột xuất có thể giải ngân trong ngày nhưng làm thế nào cho vay mà NH không mất vốn. Đây là hai vấn đề cần phải giải quyết.

NHNN đều đã ký quy chế phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội. Người dân muốn vay thì phải có xác nhận của thôn, xã về nhân thân, xác định đúng nhu cầu thì mới khách quan. Không vô tình tiếp tay cho các mục đích khác như lô đề. Các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương vào cuộc thì triển khai mới nhanh và mạnh mẽ được.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.