Xã hội

Không dùng tiền ngân sách xử lý 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ

15/06/2017, 15:17

Phó Thủ tướng khẳng định, sẽ không dùng tiền ngân sách để xử lý 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn.

khong-su-dung-ngan-sach-nha-nuoc-ho-tro-12-du-an-t

Quan điểm của Chính phủ là không dùng tiền ngân sách hỗ trợ xử lý 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ

Đó là nội dung được Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh khi báo cáo trước Quốc hội tại phiên chất vấn chiều nay (15/6).

Đề cập đến vấn đề cơ cấu lại DNNN và xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 5, khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản của nhà nước; tính đúng, tính đủ giá trị, quyền sử dụng đất, thương hiệu, triển vọng phát triển của doanh nghiệp.

Cùng với đó là nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của DNNN; Tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; công khai, minh bạch thông tin hoạt động theo quy định. Thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đẩy nhanh việc thành lập Cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ này.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ việc rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Trong đó, Chính phủ khẳng định sẽ kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường. Tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ NSNN; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài.

Đối với các dự án phục hồi được, Chính phủ có giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

"Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN phải chịu trách nhiệm về việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và xử lý dứt điểm tồn tại để nâng cao hiệu quả hoạt động; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, không hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và nhiệm vụ được giao”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.