Xã hội

Xây sân bay Long Thành: Gạt bỏ tâm lý e ngại nợ công cao

09/06/2017, 15:30

Cần gạt bỏ tâm lý e ngại nợ công cao mà không dám làm gì khi thực hiện dự án sân bay Long Thành.

Vu-trong-kim

ĐBQH Vũ Trọng Kim cho rằng cần tránh tâm lý lo nợ công cao mà không dám làm gì

Đó là quan điểm được ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nhấn mạnh khi phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. 

Sợ nợ công cao thì không dám làm gì

ĐB Vũ Trọng Kim tán thành với việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần nhưng lưu ý trong quá trình này phải có bài toán rất chi tiết, cụ thể về vốn.

Đề cập đến trần nợ công, ông Kim nhận định khả năng chúng ta có thể sẽ cán mốc hoặc vượt qua mốc 65% tổng GDP, nhưng nên tư duy theo quan điểm mở: "Mốc 65% đó là một barie dựng lên để chúng ta quản lý và giám sát đối với những việc sử dụng vốn không hiệu quả, lãng phí và chưa đảm bảo chắc chắn trong vấn đề an ninh tài chính quốc gia. Chúng ta tư duy theo quan điểm ủng hộ Chính phủ kiến tạo, xây dựng và phát triển thì chúng ta cần vốn nhiều hơn, có nghĩa là chúng ta phải tăng nợ công mới làm được những việc lớn sắp tới", ông Kim nêu quan điểm.

Ông Kim cũng cho rằng, cùng với việc giám sát, quản lý chặt chẽ, việc rất quan trọng nữa là kiến tạo để phát triển. "Mà muốn kiến tạo, muốn phát triển, có nghĩa chúng ta muốn làm giàu thì phải có gan, có gan mới có thể làm giàu. Đề nghị Chính phủ mạnh dạn trình Quốc hội cách thức thu hồi vốn và trả nợ vay để tránh tâm lý nặng nề hiện nay nợ công cao, cho nên không dám làm gì", ông Kim nói.

ĐB Trần Ngọc Khánh (Khánh Hoà) thì cho rằng, dù trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn nhưng công tác giải phóng mặt bằng rất quan trọng, bởi đây là khởi đầu cho việc thực hiện các hạng mục tiếp theo mang tính chất quyết định của dự án. Bởi vậy cho nên phải có tiền đền bù cho dân để đảm bảo thực hiện việc đồng bộ, tránh phát sinh chi phí hoặc tránh tình trạng tái lấn chiếm và khiếu kiện sau này.

Hoàn toàn có thể huy động được nguồn lực rất lớn để đầu tư Long Thành

Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng nếu tách nội dung này thành dự án thành phần sẽ có 3 lợi ích.

hoang-van-cuong

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội).

Thứ nhất là sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai, rút ngắn thời gian sớm hoàn thành dự án nhờ việc thực hiện song song giữa thu hồi đất và quá trình thiết kế dự án khả thi. Khi dự án khả thi đưa vào xây dựng thì đã có ngay mặt bằng sạch để triển khai. Việc này sẽ không gặp phải những vướng mắc làm chậm tiến độ do quá trình vừa xây dựng, vừa giải phóng mặt bằng như nhiều dự án đã từng thực hiện.

Thứ hai là việc giải phóng mặt bằng một lần thì giá đền bù cũng sẽ thực hiện thống nhất ngay từ đầu và không gặp phải tình trạng cứ tăng dần giá bồi thường trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Thứ ba, việc thu hồi một lần như vậy cũng sẽ giải quyết được cho người dân ở vùng phải giải phóng mặt bằng sớm ổn định cuộc sống.

Phân tích rõ hơn về nguồn vốn, ông Cường cho rằng nếu chúng ta tư duy như hiện tại là đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành chỉ có 2.750 ha là đầu tư kết cấu hạ tầng cho hàng không, 1.050 ha quốc phòng và 1.200 ha cho các hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và thương mại... thì chúng ta đang tự mình bó buộc mình và bỏ đi nguồn lực vô cùng to lớn.

Ông dẫn chứng trên thực tế, tất cả những sân bay lớn có quy mô đón tiếp hành khách từ 25-50 triệu hành khách/năm thì phát triển sân bay bao giờ cũng kèm theo phát triển những trung tâm thương mại, trung tâm logistic, những trung tâm cư trú vui chơi giải trí và dịch vụ và hình thành những đô thị rất phát triển bên cạnh những sân bay đó.

“Sân bay Long Thành được bố trí, xây dựng cách TP HCM 40km, cách thành phố Biên Hòa 30 km và Vũng Tàu 70 km, nằm ở vùng trọng điểm của kinh tế Đông Nam Bộ. Vì vậy, tôi cho rằng chắc chắn sẽ trở thành trung tâm đô thị lớn”, ông Cường nói.

Trong giai đoạn hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa đang thấp, khoảng dưới 40% thì chắc chắn trong tương lai sẽ còn hình thành lên nhiều đô thị khác, đặc biệt là những đô thị vệ tinh xung quanh. Tất yếu bên cạnh sự hình thành sân bay quốc tế Long Thành sẽ hình thành lên đô thị Long Thành ở ngay vùng phụ cận.

"Nếu chúng ta không nhận thức sớm thì đô thị này sẽ hình thành một cách tự phát và khi đó chúng ta sẽ không thu được nguồn lợi, thậm chí phải trả giá cho quá trình đầu tư, cải tạo các khu đô thị này. Vì vậy, cần sớm nhận thức được tính tất yếu đó để ngay từ bây giờ chúng ta quy hoạch xây dựng sân bay, đồng thời quy hoạch phát triển kèm theo một khu đô thị phụ cận để trong tương lai, chúng ta không chỉ có được một thành phố hiện đại, đồng bộ mà còn có thể khai thác được một nguồn lực vô cùng to lớn đi kèm với sự phát triển của các khu đô thị này.

Vị ĐB TP Hà Nội khẳng định, nếu có một chính sách tốt để huy động thì việc kêu gọi nhà đầu tư không khó và hoàn toàn có thể huy động được nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển nhanh sân bay Long Thành mà không cần sử dụng nhiều đến ngân sách nhà nước.

ĐB Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội thì cho rằng, để có nguồn vốn cho dự án, nên giảm chi thường xuyên, giảm biên chế tổ chức bộ máy, đặc biệt, có thể giảm lãng phí trên nhiều lĩnh vực khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.