Người dân Đồ Sơn vẫn thiết tha duy trì lễ hội chọi trâu - Ảnh: Việt Hùng |
Ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Hải Phòng cho hay: “Toàn thể nhân dân Đồ Sơn trông ngóng tọa đàm này. Khi lễ hội bị tạm dừng, chúng tôi chứng kiến có những cháu thiếu nhi ôm mặt khóc”.
Đồng thuận giữ lại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
Sáng 7/9, toạ đàm về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn Hải Phòng được tổ chức tại trụ sở Bộ VH,TT&DL. Đây được xem như sự kiện tìm giải pháp cho việc tổ chức lễ hội nổi tiếng này sau sự cố trâu chọi húc chết chủ tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vừa qua.
Tín hiệu lạc quan nhất ở buổi toạ đàm vẫn là việc tất cả đồng thuận giữ lại lễ hội chọi trâu. GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh cho biết: “Tôi ủng hộ tiếp tục lễ hội chọi trâu, không những thế cần tiếp tục từ đời này sang đời khác”. Theo ông Thanh, lễ hội là hiện tượng văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức con người bản địa. Tiếp nối ý kiến này, GS. Trần Hữu Sơn cho rằng: “Điều gì cũng bắt nguồn từ dân, từ cộng đồng, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn có tồn tại hay không do cộng đồng người dân Đồ Sơn quyết định. Chúng ta nên ủng hộ tiếp tục Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ tiếp tục lễ hội này”.
16 ý kiến từ các nhà khoa học, chính quyền địa phương cho tới ban, ngành Trung ương đều nhất trí tiếp tục giữ lại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn hồ hởi nói: “Toàn thể nhân dân Đồ Sơn đang trông ngóng toạ đàm này. Khi lễ hội bị tạm dừng, chúng tôi chứng kiến có những cháu thiếu nhi ôm mặt khóc. Qua những buổi tiếp xúc cử tri sau đó, nguyện vọng thiết tha của người dân Đồ Sơn là lễ hội chọi trâu tiếp tục được tổ chức”.
Nhưng nếu vẫn làm, thì diện mạo của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2018 sẽ phải thay đổi triệt để. Cụ thể, theo ông Hoàng Xuân Minh, việc kiểm soát sẽ được siết từ chủ trâu đầu tiên. Chủ trâu sẽ không được đăng ký tự do như trước mà phải dựa trên sự bình bầu của cộng đồng dân cư. Thậm chí, còn phải xét duyệt từ sức khoẻ, ý thức trách nhiệm cho tới việc gia đình. Trên sân thi đấu, việc kiểm tra, phòng chống chất kích thích sẽ trở nên rất ngặt nghèo. Cơ sở vật chất được gia cố triệt để: Lắp dựng thêm hàng rào bảo vệ; Xây dựng trại trâu kiên cố hơn; Gia cố đường zíc-zắc thoát trâu; Quy định số người đưa trâu vào sân thi đấu…
không giết trâu chọi
Về việc dẹp nạn bán thịt trâu chọi và “giả chọi” tràn lan, đại diện Bộ VH,TT&DL đã đề nghị UBND quận Đồ Sơn vận động không giết mổ trâu tại các lễ hội năm sau. Cần quản lý chặt vấn đề giá cả và chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Thậm chí, nếu cần sẽ phải niêm yết cụ thể giá bán thịt trâu công khai để tránh tình trạng thương lái cố tình nói khống giá bán thịt lên phi mã như năm trước.
Song, để giải quyết tận gốc, theo nhà nghiên cứu văn hoá, PGS. TS. Trần Lâm Biền, phải có sự giải mã cho người dân rằng, giết trâu là hoàn toàn không đúng văn hóa cổ truyền: “Bản chất của lễ hội đã bị nhìn nhận không đúng. Huyền tích cổ có nhắc đến hình ảnh 2 con trâu trắng từ dưới biển chạy lên chọi nhau rồi trở về biển. Đó rõ ràng biểu tượng cho sự vận động của thuỷ triều, phản ánh ước nguyện biển cả điều hoà, yên ổn, đừng phá hoại cuộc sống của người dân”. Một ước vọng hạnh phúc như vậy, theo ông Trần Lâm Biền, nếu không tuyên truyền giải thích rõ thì người dân chỉ có tiếp tục đem trâu ra thịt mà thôi.
Theo Phó chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL Phạm Xuân Phúc, có trường hợp lợi dụng danh nghĩa trâu chọi để buôn thịt: “Có hiện tượng ở lễ hội, trâu không chọi được mua sẵn hàng chục con, thịt ở chỗ khác nhưng bán như giá trâu chọi. Khi trâu chọi vào sới, bên ngoài đường đã bày bán thịt rồi. Đó là bán hàng giả, lừa dối khách hàng và vô văn hoá”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận