Chuyện dọc đường

Không hỏi dân, chính sách vừa “khai sinh” đã “khai tử”

06/04/2015, 13:05

Những việc làm không xin ý kiến dân, tự ý thực hiện một cách rất chủ quan gây nên bức xúc trong dư luận.

le_nhu_tien
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Thời gian gần đây có rất nhiều chính sách được xây dựng từ sự chủ quan của một vài lãnh đạo hay bộ phận tham mưu chứ không xuất phát từ thực tiễn, không xin ý kiến của nhân dân, các nhà chuyên môn và cơ quan phản biện.

Tôi lấy làm lạ, là vì việc lấy ý kiến trước khi làm chính sách chỉ có lợi mà sao những người quản lý còn e ngại? Phải nên nhớ rằng, tất cả những vấn đề gì liên quan đến đời sống, đến tâm tư nguyện vọng, tình cảm của dân thì đều phải xin ý kiến dân. Vừa qua, hai vụ việc lớn là chặt cây ở Hà Nội và lấp sông ở Đồng Nai đã thể hiện việc xem nhẹ ý kiến nhân dân, nên điều tất nhiên đã dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận. Đây có lẽ là hai bài học lớn về việc bỏ qua ý kiến nhân dân.

Các cơ quan công quyền sinh ra là để phục vụ nhân dân, làm vì lợi ích của nhân dân, vậy mà không hiểu sao, vẫn có những việc làm không xin ý kiến dân, tự ý thực hiện một cách rất chủ quan, phiến diện gây nên bức xúc trong dư luận. Ví như vụ việc chặt cây xanh ở Hà Nội, nếu có chuyện xin ý kiến nhân dân, để nhân dân góp ý về việc chặt hạ, thay thế cây nên được tiến hành từ từ và có chọn lọc chứ không phải làm ồ ạt như hiện tại, thì có lẽ đã không có chuyện người dân phản ứng dữ dội như thế.

Với người dân, một bóng cây cũng có vai trò vô cùng quan trọng. Với nhiều quan chức, nhiều lãnh đạo, hàng ngày họ ngồi làm việc trong phòng máy lạnh, rồi bước chân ra khỏi cửa là cũng đi ô tô có điều hòa, thế nên họ làm sao hiểu được giá trị của bóng mát cây xanh trên đường phố vào mỗi buổi trưa hè nóng bức? Phải mất bao nhiêu năm cây mới có thể cho bóng mát, vậy mà trong tích tắc, họ đốn hàng loạt cây như vậy thì dân phản ứng là điều quá hiển nhiên.

Hiện nay, Luật Trưng cầu ý dân Quốc hội đã bắt đầu cho ý kiến và trong Hiến pháp năm 2013, chương về quyền con người, quyền nhân dân cũng nói đến vai trò của người dân được tham gia mọi hoạt động xã hội hoặc tham gia vào công việc của chính quyền, của tổ chức. Bởi vậy không thể phủ nhận vai trò của dân trong việc đóng góp ý kiến vào các chính sách của Nhà nước.

Hỏi dân chỉ có lợi thôi mà sao lại không chịu hỏi dân? Chỉ khi hỏi dân thì người làm chính sách mới có căn cứ tốt hơn để hoạch định chính sách sao cho phù hợp với thực tiễn. Phải chăng họ sợ hỏi dân là phiền phức, họ sợ khi hỏi dân sẽ phản đối chính sách của mình? Suy nghĩ đó lại hoàn toàn sai. Bởi một khi dân phản đối, thì tức là chính sách ấy không đúng và không nên được áp dụng. Nếu không hỏi dân, nhiều chính sách sẽ rơi vào tình trạng vừa “khai sinh” đã “khai tử”, giống như một số văn bản mà các bộ, ngành vừa đưa ra đã phải thu hồi ngay vì không hỏi ý kiến dân trước.

Hãy nhớ rằng, trước khi xây dựng chính sách nào đó, nhất là những thứ liên quan đến cuộc sống của dân, thì đừng bao giờ bỏ qua việc xin ý kiến nhân dân. Khi hỏi dân, có thể sẽ có những ý kiến trái chiều với quan điểm của chính quyền, nhưng đó cũng là một cơ sở để chính quyền cân nhắc, đánh giá.

Đừng bao giờ coi thường dân, nghĩ dân không biết gì mà hãy nhớ rằng, phần lớn nhân dân đều rất sáng suốt, bởi có rất nhiều người dân trước đây là những cán bộ lão thành, những người từng quản lý đất nước giờ. Làm chính sách mà không hỏi dân thì mãi mãi là một bước đi sai lầm!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.