Trong những ngày gần đây, người dân Hà Nội liên tiếp cập nhật và chia sẻ thông tin tổ chức Air Visual (Mỹ) đánh giá mức độ ô nhiễm của các thành phố trên thế giới. Theo đó, Hà Nội đươc đưa vào vị trí đầu bảng với chỉ số bụi mịn Pm 2.5 ở ngưỡng kém tới rất xấu (biểu trưng là màu đỏ và tím). Cụ thể, trong sáng nay, 26/9, Air Visual cập nhật Pm 2.5 tại Hà Nội ở ngưỡng 204, xếp đầu bảng, tiếp theo là Tp.HCM ở mức 173, Kabul (Afghanistan) mức 168…
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tạ Ngọc Sơn, Phó phòng Tổng hợp, Chi cục Môi trường Hà Nội, cho rằng, nói Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới là không chính xác. “Tổ chức Air Visual lấy dữ liệu duy nhất từ trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ. Trạm quan trắc này quan trắc duy nhất chỉ tiêu PM2.5, nằm trên trục giao thông chính, gần ngã 4 Láng Hạ - Đê La Thành và xung quanh đang có các công trình xây dựng với quy mô lớn. Vì vậy, không thể đại diện cho toàn địa bàn Thành phố Hà Nội, chỉ mang tính đại diện cho duy nhất 1 địa điểm quan trắc”.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận, trong gần nửa tháng nay (tính từ ngày 13/9), chất lượng không khí của Hà nội, ở nhiều thời điểm trong ngày, nằm ở mức "kém", trong đó, chủ yếu là ô nhiễm bụi.
“Trên thực tế, nồng độ bụi chỉ tăng cao tức thời ở một vài thời điểm, tuy nhiên, do điều kiện khí tượng không thuận lợi, xuất hiện hiện tượng sương mù bao phủ toàn TP kéo dài liên tục trong nhiều ngày nên bụi không thể thoát lên trên pha loãng và phát thải hoặc bị vận chuyển đi nơi khác mà bị giữ lại tại lớp không khí gần mặt đất nên chất lượng không khí trên toàn thành phố giảm xuống”, ông Sơn dẫn giải.
Phân tích cụ thể, ông Sơn cho biết ngoài nguyên nhân quá trình đô thị hóa, mật độ các phương tiện tham gia giao thông lớn…còn bởi đang là thời điểm giao mùa, điều kiện khí tượng không thuận lợi, toàn thành phố luôn bị bao phủ bởi lớp sương mù làm giảm khả năng phân tán, phát tán bụi.
“Trong những ngày vừa qua, đêm và ngày không có mưa, lặng gió, hướng gió không cụ thể, ban ngày trời nắng, nền nhiệt tăng cao về đêm trời dịu mát nhiệt độ giảm mạnh, sáng sớm luôn xuất hiện 1 lớp sương mù thấp bao phủ toàn Thành phố. Trong khi đó, các loại khí thải và khói bụi vẫn liên tục thải ra môi trường hàng ngày. Mặt khác, rõ ràng tốc độ gió thấp cũng dẫn đến sự phân tán ô nhiễm không khí kém, sự đối lưu không khí giữa các tầng giảm. Do đó,không khí không thể thoát lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại lớp không khí sát mặt đất, làm tăng nồng độ bụi”, ông Sơn phân tích.
Trước thực trạng trên, ông Sơn cho biết người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ nên tránh đi ra đường trong buổi sáng, khi sương chưa tan hết, cụ thể từ 4-10h.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận