Chiều 29/11, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã chủ trì cuộc họp giải quyết các vướng mắc trong việc mua bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 của ngư dân.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, có 29 tàu đóng mới theo Nghị định 67 đã hết hạn nhưng chưa mua được bảo hiểm, không thể vươn khơi đánh bắt. Nhiều tàu vỏ thép với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng đang vật vã nằm bờ, do công ty bảo hiểm chưa bán bảo hiểm.
Theo phản ánh của ngư dân, gần 3 tháng nay họ phải nằm bờ vì Công ty Bảo hiểm PJICO chi nhánh tại Bình Định (PJICO Bình Định) bất ngờ ngừng bán bảo hiểm tàu cá. Không mua được bảo hiểm, các tàu đều bị ngân hàng “trói lại”, không cho ra khơi với lý do nếu xảy ra rủi ro không được đơn vị thứ 3 hỗ trợ.
Tàu vỏ thép của ngư dân Lê Văn Thãi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) được đóng với số tiền hơn 18 tỷ đồng, hạ thủy năm 2016 ra biển được vài chuyến thì hư hỏng phải nằm bờ chờ khắc phục. Tàu hành nghề lưới vây nhưng do thiết kế không phù hợp nên liên tục thua lỗ. Vừa qua, ông Thãi cải hoán tàu, chuyển đổi sang nghề mành chụp để tiếp tục vươn khơi, kiếm tiền trả nợ ngân hàng và nuôi sống gia đình.
Tuy nhiên, tàu lại phải nằm bờ vì không mua được bảo hiểm, ngân hàng không cho tàu ra khơi. Vậy là khoản nợ gần 18 tỷ đồng đến nay dậm chân tại chỗ. 3 năm qua, số tiền trả ngân hàng ngày càng trì trệ khiến khoản vay của ông bị đưa vào diện nợ xấu và đối diện với chuyện bị ngân hàng khởi kiện ra tòa để đòi nợ.
“Con tàu này vươn khơi, có lãi mới trả được, còn không có thì chịu. Năm nay, gia đình tôi thâm hụt 400 - 500 triệu đồng, giờ phải lo cho con tàu vươn khơi để gỡ lại mà gỡ chưa xong thì lấy đâu trả lãi. Ngân hàng có buộc như thế nào thì tôi cũng chịu, khi nào có tiền thì các khoản nợ xấu, quá hạn hay nợ gốc sẽ được giải quyết dần dần, chứ không hề gian dối”, ông Thãi nói.
Các ngư dân Ngô Lê Hát, Đinh Công Khánh, Thái Văn Duyệt, chủ các tàu vỏ thép ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) cũng rơi vào cảnh tàu nằm bờ và đối diện với nỗi lo tàu không ra khơi, không có tiền trả nợ ngân hàng, bị đưa vào diện nợ xấu và nguy cơ đối diện với Tòa án khi ngân hàng khởi kiện ra tòa.
Trong khi đó, lãnh đạo Công ty PJICO Bình Định cho biết, đã thu thập hồ sơ của 12 tàu gửi về Tổng công ty Bảo hiểm PJICO (trụ sở Hà Nội) để xin ý kiến. “Tuy nhiên, phía Tổng công ty vẫn chưa trả lời phương án xử lý như thế nào nên chi nhánh chưa thể quyết định được. Chúng tôi chỉ biết kiến nghị, chứ không còn cách nào khác”, vị này nói.
Chưa hài lòng với cách trả lời của phía công ty bảo hiểm, ngư dân Lê Văn Thãi tỏ ra bức xúc: “Ngư dân đang rất khốn đốn, nhiều lúc nhà không có gạo mà ăn. Công ty bảo hiểm khi nào bán cho chúng tôi để ra khơi trả nợ, không bán thì trả lời dứt khoát. Chúng tôi không thể chờ đợi được nữa, cứ chờ theo cách thế này thì chết đói”.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho rằng, hiện nay vướng mắc lớn nhất là tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 không thể mua được bảo hiểm để vươn khơi đánh bắt, điều này khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
“Hiện tại, có 29 tàu chưa mua được bảo hiểm, đối với tàu 67 vì có vốn vay ngân hàng nên bắt buộc phải mua bảo hiểm trước khi vươn khơi. Đề nghị phía Bảo hiểm PJICO cần trả lời dứt điểm có bán bảo hiểm cho ngư dân hay không, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh Bình Định để có hướng giải quyết cho ngư dân vươn khơi đánh bắt, trả nợ ngân hàng”, ông Phúc cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận