Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nguồn vốn đi vay ngày càng khó khăn, việc thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư các tuyến cao tốc khác là cần thiết.
Chúng ta phải thấy rằng đầu tư hạ tầng là trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên, nếu Nhà nước đã có nguồn ngân sách đủ để đầu tư toàn bộ hệ thống giao thông mà không cần phải huy động các nhà đầu tư tư nhân (PPP, BOT) thì không nói làm gì.
Hiện nay, nguồn ngân sách của chúng ta có hạn, chỉ đủ tập trung vào các dự án giao thông trọng yếu, dân sinh, cấp bách.
Theo quy hoạch, chúng ta có hơn 6,4 nghìn km đường cao tốc nhưng thực tế chỉ mới đầu tư xây dựng được 2 nghìn km.
Với con số km đường cao tốc còn chưa xây dựng lớn như vậy, trong bối cảnh vốn ngân sách còn hạn hẹp thì việc thu phí trên đường cao tốc là hết sức cần thiết. Đây là dịch vụ chất lượng cao, nhân dân có thể lựa chọn đường cao tốc hoặc là quốc lộ.
Lâu nay, chúng ta vẫn có tư duy là đã đóng phí đường bộ hay nộp các loại thuế thì đương nhiên phải có quyền sử dụng mọi thứ do Nhà nước đầu tư.
Tuy nhiên, tư duy này cần phải thay đổi, vì thực tế đường cao tốc là loại hình đặc biệt, nó đòi hỏi phải có số tiền đầu tư rất lớn, đổi lại là chất lượng dịch vụ vượt trội so với đường quốc lộ. Có nghĩa là người lưu thông vào đường cao tốc sẽ an toàn, thuận tiện, nhanh chóng hơn rất nhiều nếu lưu thông trên quốc lộ.
Ngoài ra, việc chưa thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư còn là một sự bất hợp lý, không công bằng giữa người được sử dụng đường cao tốc và người không được sử dụng đường cao tốc; Bất hợp lý giữa địa phương được đầu tư đường cao tốc và địa phương không được đầu tư loại đường này...
Như vậy, việc thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư không chỉ tạo ra nguồn ngân sách để tái đầu tư hệ thống giao thông mà còn tạo ra sự công bằng giữa người hưởng thụ.
Tất nhiên, bên cạnh việc đầu tư đường cao tốc thì cũng phải cho người dân có quyền lựa chọn, nếu không đi trên cao tốc thì có thể đi trên những tuyến đường song hành.
Mặt khác, cùng với việc thu phí cao tốc, Nhà nước cũng cần nghiên cứu thêm các giải pháp huy động vốn khác, như vậy mới có đủ nguồn lực để thực hiện mục tiêu đầu tư thỏa đáng cho hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận