Pháp đình

Khuất tất thu hồi BX Đức Trọng: Phản hồi bất ngờ của phó chủ tịch tỉnh

11/11/2020, 15:37

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (người ký quyết định thu hồi đất BX Đức Trọng) cho biết, tỉnh làm theo chỉ đạo của... Thủ tướng.

img
Người dân căng băng rôn phản đối việc thu hồi đất tại bến xe Đức Trọng

"Tỉnh làm theo chỉ đạo của Thủ tướng" (!?)

Ngày 10/11, TAND tỉnh Lâm Đồng chính thức thụ lý vụ án, nguyên đơn là Công ty Trường Sơn Xanh – đơn vị đang quản lý Bến xe Đức Trọng (Lâm Đồng) kiện quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thu hồi bến xe.

Liên quan đến quyết định thu hồi đất của tỉnh không đồng nhất với nội dung trong kết luận thanh tra tỉnh, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (người ký quyết định thu hồi đất Bến xe Đức Trọng) cho biết, việc thu hồi là làm theo chỉ đạo của... Thủ tướng chứ không phải của tỉnh.

Khi PV đặt câu hỏi: "Nếu thu hồi đất, quyền lợi của DN đầu tư vào bến xe sẽ thế nào, những người dân đang thuê đất đã sống và kinh doanh hơn 10 năm ở đây bị thiệt sẽ ra sao?", ông S nói: "Việc giải quyết thiệt hại của người dân sẽ do DN chịu trách nhiệm, vì DN tự ý, không thông qua cơ quan chức năng. Nên giờ DN đứng ra xử lý thiệt hại, chứ tỉnh đâu có biết việc đó. Người xưa tự làm thì bây giờ phải tuân thủ quy định pháp luật. Huyện Đức Trọng đã có danh sách hộ dân và sẽ có kiến nghị”.

Báo Giao thông đặt vấn đề kết luận của Thanh tra tỉnh đã nêu rõ sai phạm diễn ra từ 2014 về trước, thuộc lãnh đạo Công ty Gia Thành, lãnh đạo Công ty Trường Sơn Xanh (cũ) và từ giữa 2014 đến nay là chủ đầu tư khác nhưng đang phải gánh chịu hậu quả, thì ông Trần Quốc Tường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng nói: “Chúng tôi không quan tâm đến cổ phần hay chuyển nhượng, chủ mới là người nào, chúng tôi chỉ biết DN là Trường Sơn Xanh”.

Cũng theo ông Tường, việc thu hồi đất mà Sở thực hiện chỉ dựa trên căn cứ hành vi sai phạm của DN, còn nguyên nhân khách quan hay chủ quan dẫn đến sai phạm lại không thuộc chức năng của Sở.

Liên quan đến 31 hộ dân đang kinh doanh trong bến xe sẽ thế nào nếu quyền sử dụng đất bị tỉnh thu hồi, ông Tường cho hay: “đó là vấn đề dân sự giữa Công ty Trường Sơn Xanh và người dân. Việc Trường Sơn Xanh và người dân ký với nhau thì đó là do 2 bên tự ký chứ không được hợp pháp hoá”.

Nhưng nói về sai phạm trong việc sử dụng đất, sự việc này kéo dài tới 10 năm mà vẫn không xử lý được, ông Tường thừa nhận có trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, trách nhiệm của thanh tra, giám sát.

Sai ở đâu khắc phục ở đó, tại sao lại thu hồi đất của toàn bộ bến xe trong khi các DN vận tải vẫn đang hoạt động? Chưa kể việc sai phạm từ 2010 đến 2014 nhưng sự chậm trễ trong quá trình xử lý là do cơ quan chức năng, nay hậu quả lại đổ lên đầu người dân và DN", đại diện một DN có xe hoạt động tại bến nói.

Đặc biệt với quyết định thu hồi đất đột ngột khi chưa có thông báo về kế hoạch hoạt động cho các nhà xe, sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhà xe sẽ phải “đứng đường” khi hoạt động, nghĩa là buộc DN phải hoạt động chui, vi phạm pháp luật", vị này tiếp lời.

Được biết, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cũng đã gửi thông báo tới Ngân hàng Nhà nước về việc sẽ thu hồi quyền sử dụng đất ở bến xe. Hiện Quyền sử dụng đất ở bến xe đang được Công ty Trường Sơn Xanh thế chấp tại ngân hàng Vietinbank chi nhánh Lâm Đồng. Điều này đồng nghĩa với việc đây là vụ việc phức tạp khi liên quan đến quyền lợi của nhiều bên.

Sai phạm chỉ một phần nhưng thu hồi nguyên bến xe đang hoạt động

img
Bến xe Đức Trọng đang hoạt động liên tục 10 năm nay

Trước đó, Báo Giao thông đã có bài viết liên quan đến Quyết định 2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thu hồi Bến xe Đức Trọng đang hoạt động với lý do sử dụng không đúng mục đích đã được nhà nước cho thuê.

Quyết định thu hồi đất của tỉnh không chỉ không đồng nhất với kết luận và kiến nghị của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, mà còn bỏ qua yếu tố khách quan, trong bối cảnh giai đoạn tỉnh kêu gọi đầu tư, cũng như những bất cập khi đột ngột thu hồi đất thì hoạt động bến xe ra sao; quyền lợi của người dân và DN như thế nào đã không được đề cập tới...

Kết luận Thanh tra nêu rõ, Công ty Trường Sơn Xanh đã có nhiều cố gắng trong việc lập dự án đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, đề nghị UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đến ngày 21/7/2010, Sở GTVT đã ban hành quyết định công bố đưa Bến xe huyện Đức Trọng vào khai thác, đạt tiêu chuẩn bến xe khách loại 3.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra bối cảnh sau khi Trường Sơn Xanh được bàn giao dự án, ông Lê Văn Tú, Giám đốc Công ty Trường Sơn Xanh đã hợp tác với ông Huỳnh Ngọc Bé, Giám đốc Công ty Gia Thành. Ông đã đứng ra tổ chức huy động vốn thông qua việc ký hợp đồng hợp tác xây dựng trên một phần diện tích đất trong bến xe (1.300m2) với 31 hộ dân. Hình thức hợp tác là dân tự bỏ vốn xây công trình, Công ty Gia Thành thu tiền theo hình thức thu tiền thuê đất một lần.

Sai phạm trên chỉ diễn ra ở một phần diện tích đất của bến xe. Nhưng đây lại là nguyên nhân chính khiến bến xe đang hoạt động bị thu hồi toàn bộ khu đất.

Kết luận của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng nêu: Trách nhiệm sai phạm tại dự án trước hết thuộc về chủ đầu tư cũ. Cụ thể là ông Lê Văn Tú, nguyên Giám đốc Công ty Trường Sơn Xanh thời kỳ 2008-2013 chịu trách nhiệm về việc không thực hiện dự án đúng quy định, chuyển giao dự án trái luật, để Công ty Gia Thành tự quản lý, quyết định các vấn đề của dự án xảy ra sai phạm.

Trách nhiệm tiếp theo thuộc về ông Huỳnh Ngọc Bé, sau khi vào đầu tư và đứng tên Giám đốc Công ty Trường Sơn Xanh (thời kỳ 2012-2014). Ông Bé chịu trách nhiệm về các sai phạm xảy ra liên quan đến việc nhận chuyển giao dự án, ký kết hợp đồng thu tiền thuê đất của các hộ dân trái luật

Thanh tra tỉnh cũng nêu, trong quá trình thực hiện, một số sở ngành và UBND huyện Đức Trọng chưa làm tốt nhiệm vụ, chức năng. Trong đó, Sở KH&ĐT chưa kiểm tra việc góp vốn, chưa kịp thời phát hiện, xử lý việc chuyển nhượng vốn góp; Sở Xây dựng để xảy ra tình trạng chủ đầu tư xây dựng công trình không đúng giấy phép…

Điều đáng nói, quyết định thu hồi quyền sử dụng đất của UBND tỉnh được ban hành trong khi Quyết định thành lập Bến xe Đức Trọng do Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cấp đến giờ vẫn còn hiệu lực.

Đặc biệt, trên thực tế bến xe vẫn đang hoạt động tốt, liên tục suốt hơn 10 năm qua, phục vụ thuận tiện cho các hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn huyện cho đến nay.

Vậy DN vận tải đang hoạt động tại bến xe sẽ đi đâu về đâu khi đây là bến xe duy nhất trên địa bàn? Nhiều đơn vị vận tải đang hoang mang vì không biết tới đây sẽ duy trì hoạt động vận tải thế nào.

Nhà xe Điền Linh cho hay, mỗi ngày họ đều có các chuyến từ Đức Trọng đi Hà Nội và từ Đức Trọng đi Sài Gòn. Việc đột ngột nhận quyết định thu hồi khiến doanh nghiệp thấy hoang mang. Nếu không có bến xe thì nhà xe phải ra "đứng đường". Nhân viên trong công ty rất lo lắng vì không biết sắp tới sẽ thế nào.

Cũng cần nói thêm rằng, trong số 31 hộ dân đang kinh doanh, sinh sống trong khuôn viên bến xe, nhiều trường hợp đã xây dựng nhà ở kiên cố trong nhiều năm chứ không phải nhà tạm, lều lán, nhưng suốt một thời gian dài không thấy cơ quan chức năng "sờ gáy".

Chị T.Hồng, một hộ dân cho biết, giấy phép xây dựng được cấp cho toàn bộ bến xe. Khi thuê, hợp tác đầu tư ký với ông Huỳnh Ngọc Bé, Giám đốc Công ty Trường Sơn Xanh thì nền móng đã được ông Bé xây dựng, dân chỉ việc xây dựng lên tiếp.

Phía Công ty Trường Sơn Xanh cũng cho biết đã giải trình, từng bước khắc phục một số nội dung nêu trong Kết luận Thanh tra năm 2019. Nhưng Quyết định 2009 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất đã bỏ qua quyền lợi, công sức đóng góp của Công ty Trường Sơn Xanh hơn 10 năm qua.

Cụ thể, bến xe vẫn đang hoạt động liên tục, không phải nơi bỏ hoang. Chưa kể tỉnh đã bỏ qua các yếu tố khách quan khác như điều kiện, bối cảnh khi đầu tư trên địa bàn còn nhiều khó khăn, DN chịu lỗ nặng vì phải đi đóng phạt cho những sai phạm của những người trước và năm 2020 lại bị tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Trong khi những sai phạm và quyền lợi của các bên liên quan chưa được giải quyết thấu đáo, nhiều DN vận tải hoạt động tại bến xe hiện như "ngồi trên đống lửa". Đi không được mà ở cũng chẳng xong. Tỉnh thu hồi đất rồi thì việc cưỡng chế các trường hợp vi phạm ra sao?; Diện tích đất bến xe sau khi thu hồi sẽ dùng vào việc gì hay bố trí cho doanh nghiệp nào?; Bến xe mới sẽ được bố trí ở đâu, có nằm trong quy hoạch không?...là những câu hỏi cần được ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng giải đáp thỏa đáng.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.