Y tế

Khuyến cáo khẩn phòng tránh dịch viêm phổi cấp từ Trung Quốc

13/01/2020, 06:44

Diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc khiến không thể chủ quan nguy cơ lây truyền dịch bệnh này vào Việt Nam.

img
Siết kiểm soát thân nhiệt và sát khuẩn với hành khách từ Trung Quốc nhập cảnh về Việt Nam tại cửa khẩu Lào Cai trước dịch bệnh viêm phổi cấp tại Vũ Hán, Trung Quốc

Giáp Tết Nguyên đán là thời điểm giao thương với Trung Quốc sôi động nhất năm. Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, càng không thể chủ quan với nguy cơ lây truyền dịch bệnh này vào Việt Nam.

Chưa xuất hiện bệnh nhân ở Việt Nam

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân viêm phổi cấp do CoV (chủng virus mới thuộc họ coronavirus) như ở Vũ Hán, Trung Quốc. Bộ Y tế hiện phối hợp chặt chẽ, cập nhật thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường giám sát chặt chẽ từ biên giới qua hình thức đo thân nhiệt, rà soát thể trạng với người nhập cảnh, đặc biệt là những người trở về từ vùng dịch Vũ Hán. Và cùng nhiều giải pháp khác… “Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác nhưng cũng không quá hoang mang”, ông Tấn nói.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, WHO đã công bố, nguyên nhân ban đầu của các trường hợp viêm phổi cấp tại Vũ Hán là do chủng virus mới thuộc họ coronavirus (CoV). Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã xét nghiệm và loại trừ các nguyên nhân gây bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại địa phương này, như: SARS, MERS-CoV, cúm mùa, cúm A, adenovirus và một số tác nhân gây bệnh viêm phổi thông thường khác.

Tính đến ngày 11/1/2020, tại Vũ Hán, Trung Quốc ghi nhận 59 trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp, trong đó có 1 người tử vong, 7 trường hợp nặng, 2 trường hợp đã hồi phục hoàn toàn, các trường hợp khác trong tình trạng ổn định. Kết quả điều tra của cơ quan chức năng Trung Quốc, chưa có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người và cũng chưa ghi nhận trường hợp cán bộ y tế nào bị nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, tốc độ lây lan của dịch bệnh khá nhanh bởi ca đầu tiên mắc viêm phổi cấp được phát hiện tại Vũ Hán mới từ tháng 12/2019, với các dấu hiệu ban đầu là sốt, khó thở và nhiễm trùng phổi. Cơ quan chức năng tại đây đã nhanh chóng khoanh vùng, cách ly các trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân trước đó.

Theo WHO, loại CoV mới được tìm thấy ở bệnh nhân mắc viêm phổi cấp tại Vũ Hán là loại mới, không nằm trong 6 loại CoV gây bệnh ở người đã được phát hiện trước đó. Trong đó, 4 loại gây ra các triệu chứng hô hấp mức độ vừa và nhẹ, tương tự cảm lạnh thông thường và 2 loại gây ra bệnh về đường hô hấp ở mức độ nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao. Đó là SARS CoV (gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng, thường gọi là bệnh SARS) và MERS-CoV (hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông, thường gọi là bệnh MERS).

Làm gì để phòng nhiễm virus?

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp tại Vũ Hán, Trung Quốc, Bộ Y tế cho biết đang phối hợp chặt chẽ với WHO, các tổ chức quốc tế theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên thông tin tình hình dịch bệnh.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát viêm phổi nặng chưa rõ nguyên nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt lưu ý các trường hợp có tiền sử về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Cùng đó là duy trì hoạt động của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam tại Bộ Y tế và tại 4 Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur...


Theo ông Quang Tấn, với bệnh lý nhiễm virus, hiện việc điều trị vẫn chưa có thuốc đặc hiệu. Do vậy, biện pháp hiện nay là điều trị triệu chứng, hỗ trợ giảm sốt, nâng cao thể trạng cho người bệnh…

Chia sẻ về giải pháp phòng nhiễm virus, BS. Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa SaintPaul cho biết: “Bước đầu, theo đánh giá của Trung Quốc thì “virus Corona 2019 mức thấp”, cụ thể: Được coi là khả năng lây bệnh thấp, có thể lây truyền từ người sang người ở mức thấp, qua những giọt nước bọt lớn, một phần nhỏ có thể lây truyền trong không khí. May mắn là loại virus này chủ yếu ở trong giọt nước bọt lớn. Tuy vậy, mỗi lần hắt hơi, tốc độ luồng không khí di chuyển từ phổi ra mũi đạt tới phản lực, có thể tới 1.045km/h (bằng 85% vận tốc âm thanh), bắn ra 40 ngàn giọt nước bọt, vùng nguy hiểm có bán kính 2m”.

Theo khuyến cáo của BS. Phúc, người dân nên thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh “viêm phổi Vũ Hán” nói riêng và nhiễm virus nói chung: Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh. Bản thân người bệnh cũng giữ khoảng cách với người khác để tránh lây cho họ. Khi mắc bệnh, hãy ở nhà thay vì đi làm hay đi học, đó là cách tốt để giảm lây truyền; Đeo khẩu trang khi cần thiết, đặc biệt khi phải tiếp xúc với người bệnh hoặc chính người bệnh thực hiện đeo khẩu trang. Ho và hắt hơi sử dụng khăn giấy dùng 1 lần rồi rửa tay, hoặc ít nhất là dùng mặt trong khủy tay áo che mũi và miệng; Hãy thực hiện rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt khi ho và hắt hơi, rửa tay trước khi ăn. Sử dụng chất sát trùng tay là rất tốt để ngăn ngừa cúm; Virus cúm thường ở dịch tiết của mắt, mũi, miệng do vậy tránh chạm tay vào mắt mũi miệng. Nếu sờ tay vào sẽ dễ truyền bệnh cho người khác, ví dụ có thể qua mở nắm đấm cửa; Thực hành thói quen sống lành mạnh: Vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc trường học, lớp học đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ. Ngủ đủ, tăng cường vận động thể chất, thể dục thể thao, kiểm soát căng thẳng, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước, bổ sung đủ vitamin; Ăn tỏi có mùi khó chịu nhưng rất tốt để phòng ngừa virus cúm; Tiêm vaccine phòng virus cúm theo mùa là biện pháp rất hiệu quả...

“Mùa đông xuân thường lạnh ẩm, năm nay tuy ít mưa phùn nhưng thời tiết thay đổi, là điều kiện cho dịch bệnh phát sinh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như: Bệnh cúm, tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thuỷ đậu, các bệnh cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn… Do vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, chủ động phòng chống bệnh dịch”, ông Tấn nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.