Tuy nhiên, giới chức y tế nước này chưa xác định được chủng loại virus nên chưa tìm được thuốc đặc trị, đặt toàn bộ châu Á vào tình trạng báo động.
Loại trừ nguy cơ siêu virus SARS
Theo thông báo chính thức từ Uỷ ban Sức khoẻ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, tổng cộng đã có 59 ca mắc viêm phổi bí ẩn, trong đó có 7 bệnh nhân nằm trong tình trạng nguy kịch. Toàn bộ các bệnh nhân đang được cách ly và chưa có báo cáo về trường hợp tử vong nào.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), triệu chứng của bệnh viêm phổi này chủ yếu là sốt, nhiều bệnh nhân bị khó thở, hình ảnh chụp Xquang cho thấy cả hai bên phổi bị tổn thương.
Dịch bệnh này bùng phát vào cuối tháng 12 và khiến người dân Trung Quốc lo ngại khả năng virus gây bệnh hô hấp cấp tính (SARS) quay trở lại.
Virus SARS lần đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc vào năm 2002 gây ra đại dịch hoành hành khắp châu Á. Thời điểm đó, SARS đã lan ra 37 quốc gia trên toàn thế giới, lây nhiễm cho hơn 8.000 người và khiến 774 người thiệt mạng trong thời gian từ tháng 11/2002 đến tháng 7/2003. Hội chứng này do một loại virus corona gây ra và có các triệu chứng bao gồm: Sốt, ho, đau đầu, ớn lạnh và một số biểu hiện khác giống như bị cảm cúm.
Giữa dòng dư luận lo ngại, chính quyền thành phố Vũ Hán khẳng định, loại trừ khả năng SARS, hội chứng hô hấp Trung Đông (MES) và cúm gà gây ra dạng viêm phổi bí ẩn mới.
Nếu không phải SARS thì là gì?
Theo Uỷ ban Sức khoẻ thành phố Vũ Hán, bệnh dịch này bùng phát trong khoảng thời gian từ ngày 12-29/12 trong đó có nhiều bệnh nhân làm việc tại một chợ hải sản của thành phố.
Ngoài hải sản, khu chợ này còn bán một số loại động vật sống khác như: Chim, thỏ, rắn do đó làm phát sinh nhiều lo ngại rằng virus nguy hiểm trên có thể truyền từ người sang động vật. Truyền thông địa phương cho biết, khu chợ này được đóng cửa từ ngày 1/1/2020 để khử trùng.
Giáo sư David Hui Shu-cheong, một chuyên gia về hô hấp tại Đại học Hong Kong Trung Quốc cho biết, khả năng cao, bệnh dịch là “do một siêu virus hoàn toàn mới”. Điều đáng ngại ở đây là liệu các loại động vật được bán ở chợ Vũ Hán kia có phải là một trong những lý do gây ra dịch hay không.
Ông lý giải, trên thực tế, có nhiều mầm bệnh mới đã bị lây từ người sang động vật như loại virus corona có thể gây ra SARS đã được phát hiện trên cầy hương - một loại động vật hoang dã và được sử dụng để chế biến nhiều món đặc sản tại khu vực phía Nam Trung Quốc - nơi bùng phát dịch bệnh này đầu tiên; hay một số loại lạc đà cũng được coi là nguồn mang virus MERS.
Với loại virus mới, giới chức Vũ Hán cho biết, họ chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy nó có thể truyền từ người sang người, đến nay chưa có nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh. Song, ít nhất 163 người có tiếp xúc gần với những người bị bệnh vẫn được giám sát y tế chặt chẽ.
Nỗi lo bùng phát bệnh dịch dịp Tết
Tuy giới chức địa phương đã thực hiện những biện pháp phòng tránh cần thiết nhưng vẫn có nhiều nỗi lo dịch bệnh bùng phát trên quy mô toàn quốc bởi thời điểm này đang cận kề dịp Tết Nguyên đán, sẽ có hàng triệu người Trung Quốc sử dụng tàu, xe khách, máy bay để về quê đoàn tụ cùng gia đình, cùng hàng triệu người Trung Quốc đi ra nước ngoài.
Giáo sư Leo Poon, chuyên gia nghiên cứu về virus tại Đại học Hong Kong và là một chuyên gia về SARS cho biết, mức độ nghiêm trọng của sự việc lần này hoàn toàn phụ thuộc vào việc liệu virus tại Vũ Hán có thể truyền từ người sang người hay không. “Nếu chỉ truyền từ động vật sang người thì hiện nay khu chợ nơi được cho bùng phát dịch đã được đóng cửa và khử trùng, nguy cơ có thêm người bị nhiễm bệnh sẽ thấp” - vị Giáo sư nhận định.
Nhưng ông Hui cho rằng, khả năng virus truyền từ người sang người vẫn không thể loại trừ. “Hầu như các loại virus gây hô hấp đều có thể truyền từ người sang người. Vấn đề duy nhất đó là mức độ lây nhiễm như thế nào?” - ông Hui nói.
Châu Á tăng cường giám sát
Dịch bệnh đang bùng phát hiện nay tại Vũ Hán đã đặt giới chức các nước khu vực châu Á trong vòng kiểm soát chặt chẽ, tăng cường các biện pháp ngăn chặn.
Tại Hong Kong, đã có 21 người phát hiện có các triệu chứng hô hấp hoặc sốt sau khi quay trở lại từ Vũ Hán, theo Cơ quan Y tế của Khu tự trị. Trong số họ, có 7 người đã được nhập viện. Tại Singapore, người đến từ Vũ Hán cũng được yêu cầu phải đi qua máy giám sát thân nhiệt. Bác sĩ tại sân bay sẽ được cảnh báo để kiểm tra sức khoẻ của những trường hợp mắc viêm phổi vừa mới quay trở về từ Vũ Hán. Ở Hàn Quốc cũng thành lập lực lượng kiểm dịch và cảnh báo khách du lịch nước này tới Vũ Hán không nên chạm vào các động vật hoang dã, gia súc hoặc tới các khu chợ địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận