Thiết bị AIS gắn trên tàu chạy ven biển |
Công ước quốc tế về An toàn sinh mạng trên biển yêu cầu tất cả các tàu 300 tấn dung tích trở lên chạy tuyến quốc tế, tất cả tàu hàng 500 tấn dung tích trở lên chạy tuyến quốc tế và tất cả các tàu khách không kể kích thước phải lắp đặt hệ thống tự động nhận dạng AIS.
AIS - “đôi mắt thần” của thuyền trưởng
Hiện nay, hệ thống AIS đang được áp dụng rộng rãi trong ngành Hàng hải, được ví như “đôi mắt thần” của thuyền trưởng. Hệ thống thông tin liên lạc trợ giúp hàng hải này cho phép các tàu trao đổi những thông tin về nhận dạng vị trí, hướng, tốc độ với nhau hoặc trao đổi với các trạm trên bờ. Những thông tin này giúp các phương tiện khi hành hải tránh bị va chạm với nhau, ngoài ra có thể trao đổi các thông tin, trợ giúp khi có sự cố, thông tin thời tiết... Khi kết hợp AIS với một thiết bị thông tin liên lạc khác, AIS còn được ứng dụng trong các trường hợp khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
AIS dùng công nghệ thông tin truyền giữa các thiết bị trên tàu và đất liền bằng truyền dẫn vệ tinh và trên làn sóng điện dải tần số cực cao VHF, hệ thống hoạt động liên tục 365/365 ngày trong năm 24/24h trong ngày. Các tàu hay các đối tượng hàng hải liên quan được lắp đặt hệ thống AIS sẽ liên tục có chu kỳ phát các thông tin về tàu mình và các thông tin an toàn hàng hải, trao đổi thông tin với các tàu khác hay với các đài trên đất liền được trang bị AIS.
Trong chế độ tự động liên tục các thông tin được phát quảng bá cứ mỗi hai phút hoặc nhanh nhất là 10 giây khi tàu đang chạy hoặc mỗi ba phút khi tàu đang neo/buộc, bao gồm các thông tin cố định (tĩnh), các thông tin thay đổi (động), và các thông tin về hành trình.
Thông tin cố định bao gồm tên tàu, hô hiệu, mã nhận dạng lưu động hàng hải (MMSI), số IMO, kích thước tàu (chiều dài, bề ngang, loại tàu, vị trí lắp đặt anten GPS trên tàu).
Thông tin động bao gồm vị trí của tàu hiện tại, hướng quay trở, tốc độ quay trở, hướng tàu chạy, trạng thái hàng hải.
Các thông số liên quan đến hành trình gồm độ sâu mớn nước, loại hàng nguy hiểm (nếu có), cảng đến và thời gian dự định tới, các bản tin liên quan đến an toàn hàng hải và các bản tin khác.
Các thông số cố định được phát đi theo chu kỳ 6 phút hoặc theo yêu cầu, hoặc khi thay đổi. Các thông tin thay đổi được phát theo chu kì phù hợp với tốc độ và sự đổi hướng chạy của tàu. Ví dụ: Cảng đích và thời gian dự định tới được phát theo chu kỳ 6 phút, với tàu đang neo, buộc hoặc chạy chậm hơn 3 hải lý/h thì phát theo chu kì 3 phút, tàu chạy với tốc độ lớn hơn hoặc bằng 23 hải lý/h thì phát theo chu kì 2 giây.
Người sử dụng AIS có thể hoàn toàn yên tâm về tính bảo mật thông tin bởi công nghệ hiện đại, cùng với những quy định của pháp luật về bảo mật thông tin đã được Nhà nước quy định.
Hệ thống AIS hỗ trợ đắc lực trong tìm kiếm cứu nạn tàu vận tải
Mục đích trang bị hệ thống AIS là nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng của các thuyền viên trên các tàu theo công ước SOLAS. Vì vậy, khi các tàu bị nạn phát đi các thông số của mình thì nhờ hệ thống AIS trên tàu mà chúng ta sẽ thu được vị trí chính xác của tàu bị nạn.
Với tuyến vận tải ven biển, từ khi chính thức hoạt động đến nay có sự phát triển nóng, với hàng ngàn tàu vận tải, công suất phổ biến 500 - 1.000 tấn, quãng đường vận tải trung bình trên dưới 1.000km. Đặc biệt, tuyến Bắc - Nam tập trung nhiều loại tàu lớn, đội hình thuyền viên quy định có số lượng lớn tùy theo tải trọng tàu và vận chuyển nhiều loại hàng hóa có giá trị.
Các tàu vận tải hàng hóa tuyến ven biển chưa bắt buộc phải trang bị hệ thống AIS, song Cục Hàng hải VN đang khuyến khích trang bị hệ thống này, vì những thế mạnh nổi trội của nó trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn hàng hải.
Hoạt động trên các vùng biển, các tàu vận tải có trang bị AIS và thường xuyên cho mở hệ thống AIS, thì khi tàu có sự cố yêu cầu tìm kiếm cứu nạn, lúc đó radar trinh sát của hệ thống đài thông tin duyên hải và các tàu tìm kiếm cứu nạn, tàu cảnh sát biển có thể dễ dàng bắt được các mục tiêu trên màn hình, đồng thời các thông tin về mục tiêu cũng sẽ được hiển thị một cách đầy đủ. (Còn nếu các tàu vận tải không trang bị hệ thống AIS, tàu tìm kiếm cứu nạn phải tiếp cận mới xác minh được thông tin). Căn cứ vào các dữ liệu này, các cơ quan tìm kiếm cứu nạn phân tích, đánh giá để đưa ra phương án tìm kiếm cứu nạn nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận