Ngay từ khi sân khấu Lệ Ngọc khởi động thực hiện vở Tấm Cám đã gây nhiều chú ý. Vở do đạo diễn người nước ngoài Chua Soo Pong dàn dựng mà theo NSND Lệ Ngọc, chị muốn cho khán giả thấy được một “làn gió mới” của sân khấu, một tác phẩm khai thác truyện cổ tích Việt Nam dưới bàn tay và góc nhìn của một nghệ sĩ nước ngoài.
Đêm công diễn vở vào tối 15/5, tại Nhà hát lớn Hà Nội chật cứng khán giả với nhiều độ tuổi, từ trẻ em, người lớn và cả những người già. Vở đã khơi gợi được nhiều hứng thú với các em nhỏ, liên tục tạo nên nhiều tiếng cười.
Có thể thấy, phiên bản Tấm Cám này đã có nhiều nhiều thay đổi so với nguyên tác của truyện cổ tích. Khán giả vẫn có thể thấy được nguyên gốc câu chuyện của Tấm Cám từ việc Tấm bị mẹ con dì ghẻ đối xử tệ bạc, những câu chyện về cá bống, đàn chim sẻ, quả thị, Tám chuyển kiếp sống biến thành chim vàng anh… Tuy nhiên, đạo diễn Chua Soo Pong và biên kịch Nguyễn Hiếu đã lượt bớt những chi tiết bạo lực trong chuyện mà ông cho rằng, điều đó không hợp với trẻ em.
Do đó, cái kết của kịch bản đã khác hơn truyện gốc rất nhiều. Không còn là chuyện Tấm giết Cám, mà là sự hoàn lương của dì ghẻ và Cám cùng lời hứa sẽ làm việc tốt. Chi tiết ấy để lại những thông điệp nhân văn không chỉ cho trẻ em mà cả người lớn trong bối cảnh xã hội phức tạp, bạo lực lên ngôi như hiện nay.
Ngoài ra, sẽ là thiếu sót nếu không nói tới thông điệp chính của vở diễn được nhắn nhủ, đó là tình mẫu tử. Tình mẫu tử thể hiện không chỉ ở mẹ con Tấm và cả mẹ con Cám. Vì quá yêu thương và muốn dành mọi thứ tốt đẹp nhất cho con, dì ghẻ đã quên cả những luân thường đạo lý, bất chấp cả đạo đức.
Trong vở kịch không có ông Bụt với những màn biến hóa kỳ ảo giúp Tấm. Thay vào đó, người mẹ đã khuất của Tấm luôn hiện về giúp đỡ con gái nhỏ mỗi khi Tấm gặp chuyện. Đây là sự thay đổi khá hiện đại bởi lẽ với khán giả nhí ngày nay, không nhiều em còn tin vào truyện cổ tích nữa.
Sự hiện đại của Tấm Cám còn thể hiện ở nhiều chi tiết khác, từ âm nhạc tới vũ đạo. Tình tiết vở kịch được đẩy với tiết tấu nhanh, lược bỏ những chi tiết rườm rà. Dưới góc khai thác của đạo diễn Chua Soo Pong, bản dựng lần này không khai thác nhiều âm nhạc dân gian Việt Nam mà thay vào đó là những bản nhạc mới phương Tây. Là vở kịch cho thiếu nhi nên Tấm Cám cũng dành nhiều “đất” cho những màn múa hát để thu hút trẻ em.
Điểm đáng khen của Tấm Cám là thiết kế sân khấu mang màu sắc dân gian hài hòa. Những cây cau, giếng nước, cổng làng… giúp khán giả có thể dễ dàng hình dung về bối cảnh của một vùng quê nông thôn Bắc Bộ. Trang phục cũng được NTK Sỹ Hoàng đầu tư tỉ mỉ về chất liệu và từng đường nét để mang lại hiệu quả về nghệ thuật và thị giác cao nhất.
Đặc biệt, là vở kịch thiếu nhi nhưng Tấm Cám cũng hướng tới đối tượng người lớn. Bởi thế, vở có những sự chuẩn mực nhất định trong cách biểu diễn, tương tác và giao lưu với khán giả. Điều này được chính NSND Lệ Ngọc thừa nhận: “Tôi vẫn hướng tới những điều nghiêm túc. Tôi nghĩ món ăn tinh thần phải được sạch sẽ sang trọng. Tôi không thích sự nhí nhố. Mỗi người sẽ có một phong cách nhưng tôi muốn làm theo phương án như vậy”, NSND Lệ Ngọc tâm sự.
Tuy nhiên, Tấm Cám vẫn còn nhiều điều khiến người xem chưa ưng í. Tiết tấu kịch quá nhanh làm khán giả chưa kịp cảm nhận được về những tâm tư tình cảm của các nhân vật. Ví như những cảnh Hoàng tử gặp Tấm đã trúng “tiếng sét ái tình” từ cái nhìn đầu tiên, khi cả hai gặp lại nhau sau khi hoàng tử thấy miếng trầu têm cánh phượng… Phần dẫn dắt vào đầu câu chuyện khá dài và không cần thiết.
Thêm đó, việc đưa vào nhiều cảnh múa hát cũng làm nhịp điệu kịch bị “chững”. Nhà phê bình - TS. Nguyễn Thị Minh Thái, có nhiều phân đoạn có múa hát không thực sự cần thiết. Chưa kể, các diễn viên trong vở đều là những diễn viên kịch nên nhiều động tác múa còn khá “cứng”, thiếu uyển chuyển mượt mà.
Tấm Cám có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ như NSND Lệ Ngọc, Thu Hà, Kim Oanh, Tùng Linh... Được biết, vở kịch Tấm Cám sẽ ra mắt vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Ban tổ chức cho biết, sau khi ra mắt, vở diễn này sẽ tham gia Liên hoan sân khấu quốc tế 2019.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận