Chuyện dọc đường

Kiếm ăn trên nỗi thống khổ của người hoạn nạn

30/01/2022, 10:15

Những cán bộ thi hành công vụ sẵn sàng kiếm ăn ngay giữa lúc nước sôi lửa bỏng nhất, với những người đang gặp hoạn nạn, cần cứu giúp nhất.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án “Nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

img

Bị can Lan (trái) và Tùng tại cơ quan điều tra.

Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hương Lan (sinh năm 1974, Cục trưởng Cục Lãnh sự); Đỗ Hoàng Tùng (sinh năm 1980, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự); Lê Tuấn Anh (sinh năm 1982, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự) và Lưu Tuấn Dũng (sinh năm 1987, Phó Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự).

Bộ Ngoại giao sau đó cũng đã lên tiếng, cho biết đây là hành vi trục lợi cá nhân, với tinh thần vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bao che, không dung túng, bất kể người đó là ai.

Đón nhận thông tin tiêu cực, đưa và nhận hối lộ xảy ra ở lĩnh vực mà ít người nghĩ tới, dư luận không khỏi bất ngờ. Và phẫn nộ.

Phẫn nộ bởi kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến nay, Việt Nam đã rất nỗ lực để tổ chức các chuyến bay giải cứu, đưa công dân đang bị kẹt ở hàng chục quốc gia về nước. Vậy nhưng tính chất nhân đạo của các chuyến bay này đã bị lợi dụng để trục lợi một cách nhẫn tâm. Trong năm 2021, dư luận nhiều lần lên tiếng về việc công dân từ nước ngoài muốn về nước phải mua vé với giá rất đắt, thủ tục rườm rà.

Theo thông tin chính thức từ Bộ Ngoại giao, trong 2 năm qua, thực hiện chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, đã có hơn 800 chuyến bay hồi hương công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Dù các sai phạm cụ thể của nhóm cán bộ Cục Lãnh sự chưa được cơ quan điều tra công bố, nhưng nhiều người có thể hình dung được số tiền mà nhóm cán bộ Cục Lãnh sự kiếm được lớn đến chừng nào.

Và chắc hẳn, chỉ 4 người này có lẽ cũng khó có thể thực hiện được các hành vi tiêu cực. Bởi với quy trình xét duyệt chặt chẽ, tổ chức chi tiết từng chuyến bay, làm sao chỉ 4 người có thể qua mặt được tất cả? Vậy thì sẽ còn những ai nữa?

Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự khiến người ta so sánh với vụ Công ty Việt Á nâng khống giá kit test, hay các bệnh viện nâng khống giá thiết bị y tế. Đây đều là những hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để kiếm ăn trên nỗi thống khổ của biết bao người trong xã hội.

Một vụ án khác cũng có tính chất tương tự, đó là vụ “luật ngầm” ở cửa khẩu mà Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố, bắt 6 bị can liên quan đến việc “làm luật”, bán lốt xe xuất khẩu nông sản sau loạt bài điều tra trên Báo Giao thông.

Lợi dụng tình hình dịch bệnh, khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa, các đối tượng đã chèn ép, bắt lái xe, chủ hàng phải đưa hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Hành vi này không khác gì trấn lột, trong khi các lái xe, chủ hàng đã phải khốn khổ đến thế nào, thua lỗ, nợ nần ra sao.

Nói như một ĐBQH, những hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi chẳng khác nào kiếm ăn trên xương tủy người khác. Và điều nguy hiểm hơn, những vụ án trên đã khiến lòng tin của người dân đối với cơ quan thực thi công vụ giảm đi rất nhiều.

Những cán bộ thi hành công vụ sẵn sàng trục lợi, kiếm ăn ngay giữa lúc nước sôi lửa bỏng nhất, với những người đang gặp khó khăn hoạn nạn, cần cứu giúp nhất. Đó không khác gì tội ác, và không thể chấp nhận, không thể tha thứ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.