Chưa có gì thay đổi, lái xe vẫn phải đóng "tiền luật" như thường
Sáng 28/1, trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Đ.B.H., lái xe quê Tiền Giang cho biết vừa trở về sau 12 ngày nằm chờ xuất khẩu mít tại Cửa khẩu Bắc Luân 2, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Tuy xe đã buộc phải quay đầu, không xuất khẩu nhưng vẫn phải nộp 16.970.000 đồng "tiền luật" và chi phí chuẩn bị xuất khẩu hàng hóa.
Xe nông sản xếp hàng chờ thông quan tại Cửa khẩu Bắc Luân 2, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
“Ban đầu, khi mới được lên nhà kính chuẩn bị xuất hàng, tôi được “nhà luật” Nguyễn Hồng Quang thông báo phải nộp gần 27 triệu đồng "tiền luật" và chi phí cho các lực lượng chức năng tại cửa khẩu để xuất hàng. Trong đó có khoản tiền được kê rõ 2 triệu đồng "tiền hải quan và biên phòng".
Tuy nhiên, sau đó, tôi được chủ hàng thông báo xe phải quay về nội địa vì hàng đã chớm hỏng, không thể tiếp tục chờ thông quan. Vì thế, tôi đã đánh xe quay về sau 12 ngày chờ đợi.
Tuy không xuất được hàng nhưng tôi vẫn phải cắn răng trả 7,5 triệu đồng tiền thủ tục thuế xuất khẩu, lên nhà kính; 2 triệu đồng tiền hải quan, biên phòng; 1 triệu đồng cho 1 ngày thuê “tài bo”..., tổng cộng là 16.970 nghìn đồng (xe không xuất hàng nên được giảm gần 10 triệu đồng) thì mới được trả lại giấy tờ, quay đầu về chờ giải cứu", anh H. nói.
Nhiều tài xế, đơn vị vận tải cho biết, đến nay các khoản "tiền luật" và giá thuê “tài bo” tại các cửa khẩu ở Móng Cái vẫn được giữ nguyên, chưa có chuyển biến, thay đổi gì (so với trước khi Báo Giao thông đăng tải loạt bài điều tra và cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh vào cuộc- PV).
Theo đó, "tiền luật" vẫn được duy trì từ 15 đến 17 triệu đồng/xe, giá thuê "tài bo" vẫn từ 1 đến 2 triệu đồng/xe/ngày (tùy thời điểm) và mức thu của từng "nhà luật".
"Mức thu trên là quá cao, nhất là khoản tiền "tài bo" tính theo ngày là vô lý vì các xe lạnh đều có chế độ tự động nổ máy để duy trì nhiệt độ của hàng hóa, không cần sự can thiệp của con người.
Do đó, họ cứ để mặc xe ngoài đường vài ba hôm, chưa di chuyển gì cũng thu tiền triệu/ngày, mỗi chuyến hàng họ thu cả chục triệu đồng tiền "tài bo".
Trong khi đó, lái xe đường dài đi cả nghìn km từ miền Tây đến đây, chờ cả tháng mới xuất khẩu xong chuyến hàng nhưng chỉ được nhận 6 triệu đồng/chuyến. Nhiều người phải xin tiền gia đình vì không đủ chi tiêu tại cửa khẩu", anh N.V.Tr, một lái xe bức xúc phản ánh.
Dù hàng hỏng, không thể xuất khẩu, phải quay đầu nhưng tài xế và đơn vị vận tải vẫn phải chi cả chục triệu đồng tiền phí.
Chưa rõ tiêu cực nên chưa chỉ đạo, xử lý?
Thông tin từ Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết: Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày lối mở cầu phao Km 3-4 xuất được 136 xe/ngày, tương đương 1.750 tấn nông sản; Cửa khẩu Bắc Luân 2 xuất được 169 xe, tương đương 2.445 tấn nông sản.
Tính đến hết ngày 26/1, tại Móng Cái còn tồn 788 xe hàng hóa, trong đó có 608 xe thủy sản đông lạnh, 181 xe hoa quả tươi.
“Hiện nay, lực lượng “tài bo” vẫn đang được Ban quản lý, cấp thẻ, kiểm tra việc xét nghiệm Covid-19 theo quy định.
Đến nay, ngoài thông tin phản ánh trên Báo Giao thông, các cơ quan chức năng TP Móng Cái chưa nhận được bất kỳ phản ánh, cung cấp thông tin nào của các cá nhân, tổ chức liên quan về vụ việc; giá thuê "tài bo" vẫn do các đơn vị tự thỏa thuận với nhau”, bà Trần Bích Ngọc, Trưởng ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho hay.
Xác nhận thông tin trên, một lãnh đạo UBND TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh thông tin: UBND TP Móng Cái đã giao Công an TP khẩn trương vào cuộc cùng các đơn vị, cơ quan liên quan xác minh thông tin Báo Giao thông phản ánh, báo cáo kết quả về UBND TP trước ngày 22/1.
"Tuy nhiên, đến nay, Công an TP Móng Cái vẫn chưa có kết luận, báo cáo về vụ việc nên UBND TP chưa nắm rõ vướng mắc, tiêu cực thế nào để chỉ đạo, xử lý. Quan điểm của UBND TP Móng Cái là sẽ kiên quyết xử lý, không bao che, dung túng sai phạm", vị này nói.
Sau tố cáo, “nhà luật” được dàn xếp với tài xế
Từ ngày 19/1 đến nay, sau khi nhận được văn bản đề nghị cung cấp thông tin, phối hợp điều tra, xử lý vụ việc của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh, PV Báo Giao thông đã phối hợp, cung cấp nhiều thông tin, bằng chứng, thường xuyên liên hệ, phối hợp thẩm định, bổ sung chi tiết trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc.
Tuy nhiên sau đó, “nhà luật” Th. P&T dù đang bị tố cáo lại được tạo điều kiện cùng tài xế thỏa thuận mức "tiền luật" ngay tại Công an TP Móng Cái.
Nội dung kê khai các khoản tiền và sao kê chuyển khoản của tài xế xuất khẩu nông sản tại Móng Cái.
Theo đó, dù rất bức xúc, yêu cầu làm rõ các chi phí “nhà luật” đưa ra nhưng tài xế trên vẫn phải cắn răng nộp 37 triệu đồng, trong đó có 17 triệu đồng "tiền luật" như các xe xuất khẩu nông sản khác sau 1 ngày, 1 đêm làm việc tại cơ quan công an.
Thậm chí, quá trình giải quyết vụ việc này còn có sự tham gia phối hợp của lực lượng bộ đội biên phòng (“nhà luật” Th. P&T là vợ một Đội trưởng tại 1 đồn biên phòng ở TP Móng Cái).
Một trường hợp khác là “nhà luật” Nguyễn Thạch Vĩnh, cũng bị nhiều tài xế “tố” giữ giấy tờ xe sau thông quan, xuất khẩu để ép buộc tài xế đưa hàng chục triệu "tiền luật".
Cụ thể, sau 13 ngày chờ đợi, ngày 19/12/2021, anh N.VH bị giữ giấy tờ xe, yêu cầu trả 32 triệu đồng "tiền luật" và phí xuất khẩu. Trong đó có 13 triệu ghi rõ là "tiền luật", tiền lưu ca "tài bo" (15 ca) là 15 triệu đồng...
Anh H. đã cung cấp đầy đủ bảng kê, sao kê chuyển khoản và nhiều ghi âm liên quan đến việc bị ép đưa tiền nhưng vẫn chưa được cơ quan công an mời đến làm việc, lấy lời khai để xử lý.
Liên quan đến việc ép buộc của “nhà luật” này, đã có 6 lái xe cung cấp thông tin, khẳng định sẵn sàng đứng ra tố cáo, phối hợp làm rõ để xử lý. Tuy nhiên họ mới chỉ được cơ quan công an gọi điện hỏi chuyện, chưa được mời đến làm việc hay hướng dẫn viết đơn trình báo, tố cáo theo quy định.
Lực lượng "tài bo" nhận vận chuyển xe hàng tại Cửa khẩu Bắc Luân 2.
Trao đổi về tiến độ điều tra, xử lý vụ việc trên, đại diện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: Cơ quan CSĐT vẫn đang phối hợp với Viện KSND tỉnh Quảng Ninh điều tra vụ việc "làm luật" tại cửa khẩu Móng Cái.
"Hiện nay, Cơ quan CSĐT đã triệu tập một số trường hợp để điều tra vụ việc. Tuy nhiên, cái khó là dịch bệnh Covid-19 phức tạp, đi lại khó khăn, vụ việc lại xảy ra ở cả 2 bên biên giới nên khó xác minh, làm rõ chi phí liên quan nên cơ quan công an chưa có đủ căn cứ để xử lý vi phạm.
Riêng trường hợp của “nhà luật” Th. P&T và lái xe thì do cả 2 bên đều có đơn kiện tụng lẫn nhau nên Công an TP Móng Cái phải đứng giữa, tạo điều kiện cho tự thỏa thuận để giải quyết", đại diện cơ quan CSĐT cho hay.
Liên quan đến vụ việc khiến các chủ hàng, giới vận tải cực kỳ bức xúc và dư luận đặc biệt quan tâm này, PV Báo Giao thông đã nhiều lần liên lạc, đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhưng đều không được chấp nhận lịch hẹn, cung cấp thông tin.
Báo Giao thông cũng đã liên hệ, gửi văn bản đến Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đề nghị cung cấp thông tin liên quan nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm.
Trước đó, Báo Giao thông đăng tải loạt bài điều tra về việc mua bán lốt xe, ép tài xế, chủ xe nộp tiền "đóng luật" tại một số cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Sau đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã lập tức vào cuộc, chỉ đạo Công an tỉnh này điều tra. Đến nay đã có 6 bị can, trong đó có 1 cán bộ hải quan tỉnh Lạng Sơn, 2 cán bộ Đội quản lý trật tự huyện Cao Lộc bị khởi tố vì đưa, nhận hối lộ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã giải thể đội ngũ “tài bo” tại Cửa khẩu Tân Thanh để giao cho doanh nghiệp quản lý, điều hành; chấn chỉnh hoạt động của “nhà luật” tại cửa khẩu; triển khai cửa khẩu số... Hiện, hoạt động tại các cửa khẩu Lạng Sơn đã cơ bản đi vào nề nếp, minh bạch hóa, giúp giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận