Trong dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1/5) vừa qua, hàng triệu du khách đã đổ về Tây Hồ, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc rất đông vì ngành công nghiệp du lịch nội địa của Trung Quốc đang trên đà phục hồi mạnh mẽ kể từ khi quốc gia này dỡ bỏ hạn chế phòng dịch vào cuối năm ngoái.
Khi vãn cảnh, nhiều du khách mải chụp ảnh, sơ ý đánh rơi điện thoại, đồ đạc giá trị khác xuống hồ. Lượng khách kéo đến đông đồng nghĩa số lượt rơi đồ đạc cũng nhiều.
Do đó, nhiều người dân địa phương, như anh Huang Yiyong, 40 tuổi, đã kiếm được số tiền lớn nhờ việc mò tìm đồ đạc du khách đánh rơi xuống hồ.
Riêng trong kỳ nghỉ lễ dịp Quốc tế Lao động kéo dài 5 ngày vừa qua, anh Huang cho biết, anh kiếm được khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.500 USD)/ngày.
Người dân địa phương tại Tây Hồ, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc trong trang phục lặn xuống hồ mò tìm đồ đạc du khách đánh rơi. Ảnh: SCMP
Anh Huang cho hay, bình thường anh được nhờ xuống hồ mò tìm đồ đạc khoảng 2-3 lần/ngày, nhưng số lượt tìm kiếm tăng gấp đôi vào những dịp cao điểm thu hút khách du lịch, như dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động vừa qua.
“Nếu tôi có thể mò tìm được điện thoại lên từ dưới hồ trong vòng 20 phút, tôi sẽ lấy phí 1.500 nhân dân tệ (220 USD). Nếu đồ vật rơi ở khu vực khó tiếp cận hoặc hoặc quá trình tìm kiếm khó khăn, tôi sẽ thu phí 1.800-2.000 nhân dân tệ. Còn nếu không tìm thấy đồ vật du khách làm rơi, tôi sẽ chỉ lấy phí 700 nhân dân tệ”, anh Huang nói và cho biết thêm, tỷ lệ thành công là 90%.
Giải thích cho cách thu phí như trên, anh Huang cho rằng đây là công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro đòi hỏi phải có kỹ năng chuyên nghiệp cũng như phải đầu tư khoản không nhỏ vào thiết bị lặn. Ngoài ra, người đàn ông cho biết, anh sẽ thu phí thấp hơn trong trường hợp đồ đạc của du khách rơi ở khu vực dễ thu hồi và anh không cần mặc bộ đồ lặn hoặc sử dụng thiết bị chuyên nghiệp để tìm kiếm.
Anh Huang Yiyong trả lại điện thoại bị rơi xuống hồ cho du khách. Ảnh: Baidu
Trung bình mỗi tháng, anh Huang kiếm được 30.000 nhân dân tệ (4.400 USD) từ công việc này, giúp anh nuôi nấng 5 con nhỏ, trong đó 4 cháu vẫn đang độ tuổi đến trường, cháu nhỏ nhất mới được 1 tuổi.
“Vợ và các con tôi sống tại quê nhà ở tỉnh Hồ Nam. Tôi phải làm việc rất vất vả để gửi về cho gia đình ít nhất 10.000 nhân dân tệ/tháng”, anh Huang nói.
Ban Quản lý Tây Hồ cho biết, đơn vị đã cung cấp que dài cho du khách sử dụng để lấy đồ đạc đánh rơi xuống hồ. Nhân viên của cơ quan cũng sẵn sàng hỗ trợ du khách miễn phí và đã giúp 30 người lấy lại điện thoại trong kỳ nghỉ vừa qua.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), mực nước Tây Hồ khá nông, với khu vực sâu nhất khoảng 5m, độ sâu trung bình là 2,3m trong khi những khu vực gần bờ có mực nước chưa đầy 1m.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận