Giao thông

Kiểm soát chặt giá vật liệu, dứt điểm GPMB cao tốc qua Quảng Bình

23/02/2023, 13:30

Đây là 2 nội dung được Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đặc biệt lưu ý khi đi kiểm tra các dự án cao tốc đoạn qua tỉnh Quảng Bình.

Vướng mặt bằng làm tắc đường công vụ

Ngày 23/2, Thứ trưởng Lê Đình Thọ dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT kiểm tra hiện trường thi công các dự án cao tốc đoạn qua tỉnh Quảng Bình và làm việc với địa phương về công tác GPMB, nguồn vật liệu.

img

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Bình nghe các đơn vị báo cáo tiến độ thi công, cũng như các vướng mắc cần hướng dẫn, tháo gỡ.

Báo cáo với đoàn công tác, kỹ sư Trịnh Hữu Bình - Chỉ huy trưởng công trường của nhà thầu Vinaconex cho biết: "Đơn vị thi công 17km đường, 7 cầu và 2 nút giao. Đến nay địa phương bàn giao mặt bằng được 11/17km. Vinaconex đã đưa 40 kỹ sư, công nhân triển khai công tác chuẩn bị thi công. Đã bố trí xong nhà ở cho cán bộ, công nhân và xây dựng lán trại công trường. Đã đưa hơn 10 đầu thiết bị, chủ yếu là máy xúc, máy ủi để phục vụ công tác bóc phong hóa và hỗ trợ GPMB. Khi đủ công địa, đơn vị sẽ đưa thêm máy, thiết bị, công nhân về thi công".

Kỹ sư Bình cho biết: Vật liệu của dự án giai đoạn này chủ yếu điều phối dọc tuyến và có thêm 250.000m3 đưa từ gói 2 sang. Khó khăn nhất hiện nay là vướng đoạn rừng tự nhiên qua xã Quảng Lưu chưa GPMB, khiến đơn vị chưa mở được đường công vụ điều phối vật liệu.

Ngoài ra, đoạn này có 14km trùng tuyến tránh đèo Con đang khai thác nên việc đảm bảo ATGT trong quá trình vừa thi công vừa khai thác rất khó khăn.

img

Tại hiện trường, Thứ trưởng Thọ chỉ rõ những nhiệm vụ Ban Quản lý dự án 6, nhà thầu, địa phương cần phối hợp với nhau để xử lý sớm

Tương tự tại gói XL02, kỹ sư Đỗ Mạnh Trường - Chỉ huy trưởng nhà thầu Phương Thành cho biết: Ở dự án này, Phương Thành đảm nhận thi công 20km đường từ Km 600+700 - Km 624+228, 9 cây cầu, trong đó có cầu sông Gianh dài 2,6km - dài nhất dự án.

Hiện tại địa phương đã bàn giao mặt bằng được 14km, nhưng triển khai thi công chỉ được khoảng 7km, còn lại "xôi đỗ" không có đường tiếp cận hoặc không đủ công địa thi công.

Trên công trường, đơn vị đã tổ chức thi công ở 5 vị trí với 5 mũi làm đường, 4 mũi làm cầu. Huy động khoảng 80 đầu máy, thiết bị và 130 kỹ sư, công nhân.

Theo ông Trường, khó nhất hiện nay vẫn là mặt bằng. Đường găng dự án phụ thuộc toàn bộ vào mặt bằng bởi hầu hết khối lượng đất đá đào đắp là điều phối tận dụng, nếu không có đường vận chuyển thì mọi việc đều tắc.

Đơn cử như đoạn qua xã Quảng Sơn, Quảng Minh vướng nhà dân chưa di dời do chưa có khu tái định cư, Quảng Hải thì vướng các công trình trường học, trường mầm non và trạm y tế, còn lại là nhà dân xen kẽ. Chỉ đạo của tỉnh, cũng như cam kết của địa phương là hết quý II sẽ bàn giao mặt bằng sạch, nhưng nếu không xử lý sớm các vị trí đầu tuyến, nơi đường tiếp cận thì đơn vị sẽ rất khó triển khai thêm.

Một khó khăn nữa là cát đắp, theo tính toán chúng tôi cần khoảng 700.000m3 cát trong năm 2023 nhưng công suất khai thác của các mỏ ở Quảng Bình mới chỉ đáp ứng được một nửa.

Ông Phạm Văn Minh - Phó Giám đốc Ban QLDA6 cho biết: Dự án có vị trí phía Nam cầu Sông Giang có 3,2km đất yếu, lún đến 3m. Theo tính toán, thời gian để xử lý mất tới 14 tháng và cần đắp tới 300.000m3 cát và 400.000m3 đất. Thế nhưng hiện nay đang không thể GPMB vì người dân không đồng tình với hỗ trợ đào tạo chuyển nghề đất nông nghiệp vùng tiếp giáp 2 xã Quảng Hợp và Quảng Sơn.

Gỡ từng nút thắt mặt bằng, kiểm soát chặt về giá vật liệu

Lý giải về việc chậm GPMB ở một số vị trí, ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Nghị quyết của Chính phủ giao địa phương GPMB phê duyệt, xây dựng các khu tái định cư nhưng theo Luật Đầu tư công thì phải thực hiện duyệt các bước theo trình tự. Nếu làm nhanh cũng phải đến tháng 6 mới duyệt xong, như vậy sẽ không kịp thời gian bàn giao mặt bằng. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ GTVT, Ban QLDA 6 bằng kinh nghiệm đã thực hiện ở các địa phương khác hướng dẫn lại phía tỉnh để thực hiện đúng luật, đúng trình tự. Bên cạnh đó, cùng với địa phương gỡ vướng về thủ tục chuyển đổi đất rừng.

Ngoài ra, ông Lâm kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh kỹ thuật đoạn đường dẫn đầu cầu phía Bắc sông Giang, từ đắp đất sang cầu cạn để không chắn mặt nhà dân.

img

Ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trao đổi về tiến độ GPMB và những điểm nghẽn cần giải quyết

Tại hiện trường, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu: "Ban và nhà thầu phải làm rõ khó khăn từng nút thắt, từng vị trí cụ thể và có giải pháp tháo gỡ. Nhà thầu kêu thiếu vật liệu nhưng thực tế giải quyết như thế nào? Những vị trí nút thắt, đường găng không thể ngồi chờ, phải phối hợp với địa phương đẩy nhanh GPMB. Ưu tiên số 1 là phải thông đường công vụ, xong cầu tạm".

Với đề xuất của tỉnh, Thứ trưởng giao Ban QLDA 6, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát xem xét, nếu đảm bảo kỹ thuật thì cho thực hiện. Đồng thời yêu cầu rà soát tổng thể trên thực địa, khi thấy những vị trí bất hợp lý phải xử lý ngay.

Về chính sách đền bù GPMB ở 2 xã liền kề, Thứ trưởng đề nghị tỉnh sớm giải quyết dứt điểm. Vì việc này nằm trong thẩm quyền của tỉnh, cái gì tốt cho người dân thì nên làm, đảm bảo người dân sau khi được đền bù phải có cuộc sống tốt hơn, theo đúng chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.

Quá trình kiểm tra dự án, Thứ trưởng đã cùng đoàn công tác của tỉnh đến khảo sát giá và làm việc tại mỏ cát Đức Toàn tại xã Văn Hóa, Tuyên Hóa. Tại đây, ông Trần Văn Vĩnh - Giám đốc Công ty TNHH Đức Toàn cho biết: Giá cát bán bao gồm VAT và xuất hóa đơn năm trước 135.000 đồng/m3, năm nay là 170.000 đồng/m3. Nhưng công suất khai thác chỉ có 15.000m3/năm, nếu có ưu tiên bán tất cả cho dự án cao tốc thì vẫn không đủ.

Tuy nhiên khi xem hợp đồng khai thác cát, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và đoàn phát hiện, giá khai thác cát mà công ty ký với đơn vị khai thác chỉ là 35.000 đồng/m3. Vậy căn cứ nào để chủ mỏ đưa ra giá 170.000 đồng/m3.

Thứ trưởng Thọ lưu ý đối với các mỏ khi công bố giá phải tính toán một cách chính xác, gồm: chi phí, thuế, tiền tài nguyên... để có giá đúng. Đối với các mỏ được đưa vào danh sách cấp cho dự án cao tốc thì tuyệt đối không được găm hàng, nâng giá, bởi theo chỉ đạo của Chính phủ nếu phát hiện có tình trạng này sẽ đề nghị công an vào điều tra, xử lý. Riêng về công suất khai thác cát tại mỏ ở khu vực 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, tới đây Bộ sẽ làm việc với địa phương và có kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm cho biết, tỉnh sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành các mỏ. Đồng thời giám sát chặt các mỏ về giá bán, công suất khai thác, trường hợp vi phạm sẽ rút giấy phép, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.

Cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình dài 91,3km, nằm trong 3 dự án thành phần gồm: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ. Dự án được khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến đến năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác.

Gói thầu XL02 đoạn Vũng Áng - Bùng có chiều dài hơn 23,5km (Km 600+700 - Km 624+228,79), giá trị 5.400 tỷ đồng. Phạm vi công việc chính của gói thầu gồm công trình đường bộ cấp I; 18 công trình cầu.

Gói thầu XL01 dự án Bùng - Vạn Ninh có chiều dài hơn 30km (Km 625+000 - Km 655+285,04), giá trị 3.939 tỷ đồng. Phạm vi công việc chính của gói thầu gồm: công trình đường bộ cấp I; 20 công trình cầu.

Gói thầu XL02 dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh có chiều dài hơn 19km (Km 655+285,04 - Km 674+556,65), trị giá 3.501 tỷ đồng. Phạm vi công việc chính của gói thầu gồm công trình đường bộ cấp I; 11 công trình cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.