Y tế

Kiểm soát dịch Covid-19: Hạn chế di chuyển, thực hiện nghiêm giãn cách

20/07/2021, 08:50

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, phòng chống dịch Covid-19, quan trọng nhất lúc này là giãn cách xã hội, người dân hạn chế di chuyển trừ khi cấp thiết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt tại Tp. Hồ Chí Minh, PV Báo Giao thông có cuộc trò chuyện với PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam xoay quanh các giải pháp phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới.

img

Người dân hạn chế di chuyển, thực hiện nghiêm giãn cách giúp cắt đứt nguồn lây Covid-19

Ông nhận định tình hình dịch Covid-19 hiện nay ra sao, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam?

Sự xuất hiện của chủng virus Delta có tốc độ lây lan nhanh đã khiến dịch Covid-19 nước ta diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam - có mối giao thương lớn với TP. HCM. Đồng thời, cũng đang xuất hiện các ổ dịch, cho dù còn “xôi đỗ” với nơi có nguy cơ cao, thấp khác nhau. Nhằm chống lây lan trong toàn khu vực, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Có thể nói, biện pháp quan trọng nhất lúc này giãn cách, và thực hiện nghiêm túc giãn cách với phương châm “người cách người, nhà cách nhà” nhằm cắt đứt nguồn lây từ người bệnh sang người lành.

Từ tình hình dịch tại TP. HCM, các địa phương cần chú trọng việc phát hiện sớm nguy cơ, ca bệnh Covid-19, tránh để dịch lan rộng. Đồng thời, thực hiện phòng chống dịch giãn cách cộng đồng phải thật nghiêm; các hoạt động khác cần đảm bảo tránh gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân như đảm bảo việc vận chuyển, không để ách tắc hàng hóa, gây thiếu thốn lương thực, thực phẩm; hoặc tránh tụ tập đông đúc tại các điểm lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vaccine.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị tốt 4 tại chỗ… Dù diễn biến dịch chưa phức tạp cũng nên tiệm cận với việc thực hiện cách ly F1 tại nhà theo quy định của Bộ Y tế, dự phòng cho tình huống xấu có thể xảy ra như tại TP. HCM.

Tính đến sáng ngày 20/7, Việt Nam có tổng cộng 60.180 ca mắc, trong đó 58.100 ca trong nước và 2.080 ca nhập cảnh.

Riêng số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch thứ 4 kể từ 27/4 đến nay là 56.530 ca, trong đó có 8.273 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hiện Hà Nội cũng đang đối mặt với sự quay trở lại của dịch khi các ca mắc tăng dần trong những ngày gần đây. Việc Hà Nội sớm siết quy định giãn cách theo ông có phù hợp với tình hình thực tế không?

Hà Nội là vùng trũng, các nơi đổ về đặc biệt là những người trở về từ TP HCM, các địa phương có dịch. Do đó, nguy cơ dịch rất khó lường, tuy nhiên đến thời điểm này dịch ở Hà Nội vẫn đang trong tầm kiểm soát. Hà Nội cũng đã khống chế nhanh một số ổ dịch như ở Cty SEI (trong KCN), tại một số bệnh viện… Tuy vậy còn một số ổ dịch ở cộng đồng, tuy số ca mắc không nhiều nhưng không xác định được nguồn lây.

Không loại trừ có những ca lẩn khuất từ trước, âm thầm giờ phát ra lây lan. Đáng lưu ý các ca gần đây được phát hiện cho thấy tốc độ lây nhanh - trong cùng một gia đình, cùng nơi làm việc.

Việc Hà Nội ban hành công điện số 15 – là hết sức hợp lý. Hà Nội đã dựa trên các nguy cơ dịch diễn biến khó lường nên đã sử dụng biện pháp phòng từ sớm tránh để dịch bùng phát xảy ra sẽ không kiểm soát được.

Hà Nội vẫn cần tiếp tục xét nghiệm, truy vết, không xét nghiệm tràn lan nhưng xét nghiệm diện rộng có chỉ định, tập trung những nhóm nguy cơ (như ngươi có biểu hiện sốt, ho; công nhân nhà máy, dân cư nơi tập trung đông người) để đánh giá tình hình dịch bệnh từ đó đưa ra những quyết định kịp thời.

Trong tình hình dịch Covid-19 đang rất phức tạp, ông có khuyến cáo gì với người dân lúc này?

Hơn bao giờ hết sự cộng tác của mỗi người dân là chia khóa quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19. Mỗi người dân cần phát huy việc thực hiện tốt 5K, nhất là trong lúc này, người dân hạn chế đi lại, không đi các tỉnh, không tập trung đi chợ, đi chỗ đông người khi không cần thiết; đặc biệt là với người già, người có bệnh lý nền. Tốt nhất là ai ở đâu hãy ở yên đó nếu không có việc gì thực sự cấp thiết.

Người dân cũng không nên quá lo lắng hoang mang đổ xô đi siêu thị, đi chợ mua đồ tích trữ… Chính việc ồ ạt đi mua trong cùng thời điểm đã tạo nên tập trung đông người sẽ gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh..

Bên cạnh đó, tiêm vaccine phòng Covid-19 vừa là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người, khi có điều kiện nên sẵn sàng tiêm vaccine.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.