Chính trị

Kiểm soát quyền lực, tăng lương mới ngăn được tham nhũng

08/07/2022, 10:00

Để quan chức không cần tham nhũng, có ý kiến cho rằng cần tăng lương thật cao và bắt buộc phải có giám sát quyền lực...

Việc từng bước hoàn thiện thể chế để quan chức không thể, không dám, không cần tham nhũng đã được nhắc đến nhiều, vừa qua tiếp tục được đề cập tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm chống tham nhũng, tiêu cực.

Để quan chức không cần tham nhũng, có ý kiến cho rằng cần tăng lương thật cao. Báo Giao thông trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an xung quanh câu chuyện này.

img

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Quyền lực chưa được kiểm soát chặt

Trong 10 năm qua, công cuộc phòng chống tham nhũng đã được triển khai quyết liệt, đạt những kết quả rất cụ thể, toàn diện. Nhưng theo ông vì sao, tham nhũng vẫn cứ diễn biến phức tạp, ngày càng có nhiều quan chức cấp cao nhúng chàm bị xử lý?

Theo tôi, về khoa học, cần phải nhận thức, đây là 2 vấn đề rạch ròi: Một là, kết quả chống tham nhũng. Hai là, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.

Kết quả phòng chống tham nhũng mang tính bước ngoặt, chưa bao giờ trong vòng 10 năm cuộc đấu tranh chống tham nhũng có kết quả lớn, có thể củng cố lòng tin của Đảng và Nhà nước như vậy.

Nhưng vấn đề là đánh những vụ án tham nhũng lớn chỉ cần vài ba tháng là xong. Còn việc giải quyết nguyên nhân dẫn đến tham nhũng không phải vài ba tháng là có thể diệt tận gốc.

Theo ông thì nguyên nhân cốt lõi là gì?

Cơ bản là vì quyền lực giao cho cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước không được kiểm soát chặt nên trong hàng triệu cán bộ, đã có một số cán bộ lợi dụng sơ hở để tham nhũng.

Quá trình phòng ngừa, khắc phục sơ hở, yếu kém trong giám sát tham nhũng phải mất rất nhiều thời gian, gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải thay đổi về các quy định của luật.

Cơ chế vận hành tồn tại hàng 4 - 5 chục năm, không phải 1 vài tháng là thay đổi được. Về nguyên tắc, có quyền lực mà không có giám sát là rất dễ tha hóa.

Do đó, quá trình sửa chữa nguyên nhân dẫn đến tham nhũng bao giờ cũng có độ trễ so với quá trình chống tham nhũng.

Việc vẫn tiếp diễn hành vi tham nhũng là do chưa giải quyết được hết sơ hở.

Không thể tham nhũng nếu nhiều cơ quan theo dõi

Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Phòng chống tham nhũng hiện nay chưa đủ sức răn đe nên kết quả chống tham nhũng còn hạn chế. Vậy theo ông, những nội dung nào nên bổ sung, sửa đổi?

Tôi chỉ đồng ý 50% với ý kiến này. Không nên quy cho Luật Phòng chống tham nhũng không đủ sức răn đe, bởi có nhiều vấn đề nằm ngoài luật này.

Trước hết, trong Luật Phòng chống tham nhũng cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan tổ chức…

Theo báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 được công bố tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, 10 năm qua, cấp ủy, Uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Nhưng song song với đó cần phải sửa nhiều luật khác như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức…

Theo tôi, nên có cuộc tổng kiểm kê hệ thống luật pháp liên quan đến kiểm soát quyền lực để thấy rõ những lỗ hổng, kẽ hở, qua đó bù đắp và sửa đổi cho toàn diện. Luật Phòng chống tham nhũng có tốt đến mấy mà các luật khác vẫn còn kẽ hở thì vẫn còn tham nhũng.

Quan trọng hơn cả là cách khắc chế lòng tham của các cán bộ công chức. Mạnh Tử nói rằng “nhân chi sơ tính bổn thiện”, Tôn Tử nói “nhân chi sơ tính bổn ác”, tôi xin bổ sung “nhân chi sơ tính bổn tham”.

Từ tham lam có thể nảy ra đủ tính xấu. Vì lòng tham là bản chất con người nên bắt buộc phải có giám sát quyền lực.

Tôi từng sang Singapore, Thụy Điển, Phần Lan, New Zealand - tất cả các quốc gia trong sạch nhất thế giới, đều thấy cần phải có hệ thống giám sát chặt chẽ.

Chẳng hạn tại Singapore, với một quan chức làm việc, có tới 4 cơ quan theo dõi chặt chẽ, không thể tham nhũng được!

Vậy để cán bộ không muốn, không dám và không thể tham nhũng, theo ông có cần tăng lương và tăng lên bao nhiêu để cán bộ không màng tư lợi nữa?

Tôi hoàn toàn chia sẻ và đồng ý. Cách đây 22 năm, Thường vụ Quốc hội có mời tôi lên trao đổi về vấn đề chống tham nhũng. Tôi cũng đã tham mưu rằng cần phải tăng lương cho quan chức.

Theo tôi, cần tăng lương để cán bộ công chức đủ sống trong điều kiện bình thường, đủ điều kiện cho con họ đi học, đủ tiền để đóng viện phí khi ốm đau. Đây chính là điều trợ lý của ông Lý Quang Diệu (cựu Thủ tướng Singapore, người sáng lập ra quốc đảo sư tử) nói với tôi.

Đó là lý do vì sao Singapore là một đất nước rất nhỏ, chỉ khoảng 6 triệu dân, diện tích chỉ ngang bằng đảo Phú Quốc nhưng lương của ông Lý Hiển Long lên tới 2 triệu đô/năm, lớn hơn cả của Tổng thống Mỹ Joe Biden (khoảng 450 nghìn USD/năm).

Trước đây, tôi đã đề nghị lương của các bộ trưởng khoảng 100 - 120 triệu VNĐ/tháng; Các cục, vụ 80 triệu VNĐ/tháng; Chủ tịch tỉnh phải 80 - 90 triệu VNĐ/tháng…

Còn lương lãnh đạo của ta hiện nay quá thấp!

“Tâm sáng, tay sạch thì không lo gì cả!”

img

Trong 10 năm qua, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai (Trong ảnh: Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung hầu tòa do liên quan đến nhiều vụ án lớn)

Việc kê khai tài sản cán bộ đã được thực hiện, nhưng việc công khai vẫn chỉ ở một mức độ nhất định. Theo ông, có nên công khai tài sản cán bộ, nhất là quan chức lãnh đạo và vợ con? Bởi, nếu làm được cũng sẽ ngăn chặn sớm được việc tẩu tán tài sản?

Ở một xã hội, một nền chính trị văn minh, tất cả phải công khai minh bạch. Nên công khai cho người dân biết. Càng công khai minh bạch càng tốt.

Ngoài Luật Phòng chống tham nhũng, về góc độ giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, theo ông cần thêm giải pháp gì? Bởi, nếu chỉ có chế tài hà khắc chưa chắc đã hiệu quả?

Có 3 công cụ tác động vào hành vi con người: Một là giáo dục đạo đức; Hai là tôn giáo; Ba là luật pháp. Việt Nam ta đang dùng tốt hai công cụ 1 và 3.

Trên hành tinh này, giáo dục và luật pháp là 2 công cụ phải đi song song với nhau như cánh tay phải và cánh tay trái để con người thăng bằng.

Nếu ta chỉ tập trung sửa luật pháp mà giảm nhẹ giáo dục thì rõ ràng không thể thăng bằng được.

Việc giáo dục, tuyên truyền là rất quan trọng và cần thiết. Việt Nam đang làm rất tốt rồi nhưng cần rèn rũa sắc bén hơn nữa.

Công cụ thứ 3 cũng cần chặt chẽ và mạnh mẽ hơn nữa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Cần phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, vì vậy cần phải tăng cường, hoàn thiện cơ chế tạo ra hàng rào ngăn cản tham nhũng như lưới B40 vậy.

Thời gian qua, có ý kiến cho rằng việc xử lý quan chức “cứ bắt nữa, bắt mãi thì ai làm”. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi hoàn toàn phản đối ý kiến này. Đây là ý kiến ngụy biện. Chúng ta không bao giờ thiếu người tài!

Vừa qua, Bộ Chính trị đã xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, nhiều cán bộ vẫn có tâm lý e ngại, sợ sáng tạo sẽ làm sai, làm trái, nhất là sau nhiều vụ sai phạm bị xử lý. Ông suy nghĩ gì trước hiện tượng này?

Tôi là người tham gia, đóng góp khởi thảo văn bản này ngay từ đầu và chính tôi đã tham mưu đưa thêm cụm từ “vì lợi ích chung”.

Bởi thực tế, khi làm điều mới, tất nhiên khó tránh sai sót nhưng với mục tiêu hành động là trong sáng, suốt quá trình thực hiện mà tâm sáng, không tư lợi cá nhân mà vì lợi ích chung của đất nước, của cộng đồng, người dân thì không ai xử lý.

Tâm sáng, tay sạch, thì không lo gì cả!

Cảm ơn ông!

TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ:
Quản chặt tài sản của quan chức

img

Tội phạm tham nhũng nhắm vào tiền nên cần có biện pháp trừng phạt mạnh về kinh tế, có biện pháp thu hồi hiệu quả nhất tài sản tham nhũng.

Thời gian qua, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có xu hướng tăng dần, nhưng số tài sản thu hồi so với bị chiếm đoạt, thất thoát còn thấp. Do đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện chính sách về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án.

Cụ thể, cần hoàn thiện thể chế công khai đăng ký tài sản, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin tài sản đăng ký, đặc biệt là đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Cần có sự kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý tài sản với các cơ quan liên quan như: Công an, công chứng, ngân hàng, thuế, thi hành án... để theo dõi sự biến động cũng như kịp thời xử lý khi có vi phạm.

Đặc biệt, tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cần kiểm soát chặt chẽ. Các giao dịch có giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện thông qua ngân hàng để ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng.

Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:
Dân phải được giám sát tài sản của cán bộ

img

Vai trò của nhân dân trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải được đề cao hơn nữa. Cứ 6 tháng, người có chức, có quyền, đặc biệt là những người có liên quan nhiều đến vấn đề nhạy cảm về tham nhũng phải công khai minh bạch thu nhập của họ, của vợ con họ.

Việc công khai này không phải nộp cho cơ quan rồi cất đó, mà là công khai rộng rãi để toàn dân có thể tham gia giám sát, đặc biệt là nhân dân tại địa bàn dân cư mà những người có chức, có quyền đó sinh sống giám sát.

Đồng thời, cần có những hình thức khen thưởng, tuyên dương những người dân có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, tiêu cực; phát hiện được tham nhũng, tiêu cực.

Phùng Đô (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.