Bổ sung một số loại phụ thu của hãng tàu vào danh mục kê khai giá
Một trong những điểm đáng chú ý tại văn bản do Phó cục trưởng Hoàng Hồng Giang ký nêu rõ: Từ đầu tháng 2/2024 tới nay, một số hãng tàu nước ngoài đã tăng phụ thu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng biển Việt Nam.
Các hãng tàu chủ yếu tăng phụ thu bốc dỡ container tại bến cảng (THC) với mức tăng trung bình từ 5%-20%.
Theo Nghị định số 146/2016 của Chính phủ, các loại phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển thuộc đối tượng niêm yết giá.
Hiện tại, có khoảng 10 loại phụ thu mà hãng tàu đang áp dụng như phụ thu THC, vệ sinh công, phụ thu chứng từ… Ngoài ra một số phụ thu phát sinh theo mùa vụ như phụ thu mùa cao điểm, phụ thu tắc nghẽn cảng, phụ thu xăng dầu…
Mức giá và các loại phụ thu do hãng tàu tự quyết định và áp đặt đối với chủ hàng của Việt Nam. Việc quy định niêm yết giá không quản lý được tình trạng các hãng tàu tăng giá và tăng các loại phụ thu như hiện nay.
Bộ luật Hàng hải Việt Nam quy định: "Phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển (nếu có) là khoản tiền trả thêm cho người vận chuyển ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển".
Theo đó, một số loại phụ thu trả thêm cho người vận chuyển ngoài giá cước là các loại bị tác động theo giá cước, như phụ thu xăng dầu, phụ thu mùa cao điểm, phụ thu tắc nghẽn.
Đối với các loại thu khác tại cảng biển mà hãng tàu đang thu như THC, vệ sinh container, kẹp chì, chứng từ, mất cân bằng container… là các phụ thu phát sinh tại cảng biển Việt Nam. Các hãng tàu cung cấp dịch vụ và thu của khách hàng để bù đắp cho chi phí bỏ ra khi thực hiện dịch vụ đó (không bị tác động bởi giá cước vận chuyển).
Do vậy, đây không phải là khoản tiền trả thêm cho người vận chuyển ngoài giá dịch vụ vận chuyển mà là hàng hoá, dịch vụ tại cảng biển.
Nghị định số 85/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giá đã giao Bộ GTVT tiếp nhận, kê khai giá dịch vụ tại cảng biển và đặc điểm kinh tế kỹ thuật của hàng hóa dịch vụ kê khai giá, từ đó, bổ sung một số phụ thu của hãng tàu cung cấp dịch vụ tại cảng biển vào danh mục kê khai giá (như THC, vệ sinh container, chứng từ, kẹp chì...).
Hiện nay, Cục Hàng hải VN đã hoàn thiện danh sách doanh nghiệp thực hiện kê khai giá dịch vụ tại cảng biển, báo cáo Bộ GTVT để triển khai thực hiện.
Đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng tồn đọng trên 90 ngày
Liên quan đến hoạt động tại một số cảng biển container và tình hình container rỗng, Cục Hàng hải VN cho biết hệ thống cảng biển nhiều năm nay không xảy ra hiện tượng tắc nghẽn hàng hóa tại cảng.
Tàu thuyền vào, rời, hoạt động tại cảng biển bảo đảm ổn định, hiệu quả, cảng đáp ứng được 100% nhu cầu hàng hóa thông qua, kể cả trong thời gian tới khi nhu cầu hàng hóa tăng cao.
Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng 18%, trong đó hàng container tăng 22%. Đặc biệt, khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải tăng 41%, cảng Lạch Huyện tăng 87% nhưng các cảng vẫn hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu hàng hóa thông qua.
Tuy nhiên, hàng hóa tồn đọng tại cảng biển là vấn đề nan giải đã kéo dài nhiều năm. Theo thống kê của cảng Cát Lái, hiện có khoảng 6.700 container đang tồn đọng tại cảng, chiếm khoảng 5% kho bãi của cảng.
Theo quy định, kinh phí xử lý hàng hóa tồn đọng (như giám định, thanh lý, tiêu huỷ...) lấy từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí xử lý hàng hóa tồn đọng gặp rất nhiều khó khăn, thủ tục kéo dài, nhà nước không bố trí nguồn kinh phí thường xuyên cho việc này.
Cục Hàng hải Việt Nam đã làm việc với Tổng cục Hải quan để tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ hàng hóa tồn đọng tại cảng biển. Từ đây, Cục Hàng hải VN kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng trên 90 ngày.
Cùng đó, xem xét sửa đổi Thông tư số 203/2014 của Bộ Tài chính, giảm bớt quy trình, thủ tục, thời gian xử lý hàng tồn đọng; bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp cảng tạm ứng nguồn kinh phí để xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng và được thu hồi sau khi hoàn tất việc bán thanh lý hàng hóa tồn đọng.
Nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong vận tải, Cục Hàng hải VN kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Công thương chỉ đạo Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam nâng cao vai trò hiệp hội, định hướng hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp thành viên.
Các hiệp hội là đầu mối tập hợp các doanh nghiệp thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch vận tải, làm cơ sở ký kết hợp đồng vận tải dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu rủi ro về biến động giá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận