Xã hội

Kiến nghị năm học mới cho học sinh nghỉ thứ 7 để kích cầu du lịch

10/07/2020, 10:15

Thay vì đề xuất cho nghỉ thêm 1 tháng hè để kích cầu du lịch, Bộ GD&ĐT cần cân đối lại lịch học vào cuối tuần kể từ năm học mới.

img
DN tour kiến nghị Bộ GD&ĐT cho học sinh nghỉ học thứ 7 để kích cầu du lịch

Trước tình hình dịch bệnh thế giới vẫn chưa được kiểm soát, các chuyến bay quốc tế chưa được mở lại, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Flamingo Redtours nhận định các DN du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn từ nay tới hết năm 2020.

“Thị trường vẫn chưa ổn định, doanh nghiệp lữ hành vẫn đang rất khó khăn trong bài toán quyết định đầu tư hay không. Thực tế, trong 3 mảng kinh doanh chính của công ty lữ hành hiện còn khai thác khách nội địa; Hai mảng còn lại gồm khách quốc tế vào Việt Nam (inbound), khách du lịch nước ngoài (outbound) đều đã ngưng từ đầu mùa dịch, trong khi đây lại là nguồn chiếm 50-60% tổng doanh thu”, ông Hoan cho biết.

Trước tình hình trên, là một thành viên Ban Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam, ông Hoan kiến nghị: “Thay vì đề xuất kéo dài thời gian nghỉ hè của học sinh nhiều hơn 1 tháng để kích cầu du lịch, tôi mong muốn Bộ GD-ĐT nghiên cứu cân đối lại lịch học cho học sinh cấp II và cấp III vào ngày thứ 7. Theo đó, có thể cho các cháu nghỉ học thứ 7 hoặc nếu vẫn đi học thì nên bố trí các môn mang tính chất sinh hoạt ngoại khóa, tạo điều kiện cho các gia đình thoải mái đi du lịch vào dịp cuối tuần”.

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho biết, đến nay đã có gần 50 địa phương trên cả nước hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa, tổ chức kết nối doanh nghiệp, hợp tác giữa du lịch, hàng không và các điểm tham quan, vui chơi giải trí xây dựng các sản phẩm dịch vụ.

Nhiều tỉnh đã đồng loạt công bố nhiều chương trình giảm giá từ 10-60% để kích cầu; Tổ chức ký kết các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch tại một số vùng trọng điểm… Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, tính đến tháng 6/2020, đã có 148 doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

“Dự báo từ nay đến cuối năm, số lượng doanh nghiệp đóng cửa vì khó khăn do dịch Covid-19 sẽ còn tăng mạnh”, bà Hương cho hay.

Khảo sát mới đây về xu hướng du lịch nội địa từ tác động của đại dịch Covid-19 do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho thấy: Hành vi tiêu dùng của du khách trong nước sau dịch Covid-19 đã có nhiều thay đổi so với thời điểm trước đại dịch, đặt ra yêu cầu cần phải cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch, sản phẩm du lịch cũng như cách thức xúc tiến, quảng bá điểm đến.

Cụ thể, các sản phẩm du lịch nên chuyển hướng theo hình thức du lịch gia đình, du lịch nhóm nhỏ, du lịch thiên nhiên… Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh kinh doanh thương mại điện tử, thanh toán điện tử, xúc tiến quảng bá du lịch qua các kênh trên nền tảng Internet, truyền thông số.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.