Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo), Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) về việc ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô, tháng 5 và tháng 6.
EVN cho biết, hiện nay cung ứng điện trong bối cảnh các hồ thuỷ điện thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng, trong khi việc cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành, kết hợp sự cố kéo dài của một số tổ máy nhiệt điện gây thiếu hụt lượng lớn công suất nguồn điện.
Trong đó, nguồn khí Đông Nam Bộ suy giảm mạnh trong những năm gần đây, lượng khí cấp cho sản xuất điện chỉ còn trung bình khoảng 13,5-14 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí khu vực Đông Nam Bộ trên 21 triệu m3/ngày.
Nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí Cà Mau khoảng 6 triệu m3/ngày
Tương tự, lượng khí Tây Nam Bộ cấp cho sản xuất điện chỉ đạt trung bình khoảng 4 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí Cà Mau khoảng 6 triệu m3/ngày.
Theo dự báo, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, tháng 6 và tháng 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600-4.900 MW.
"Nếu tình hình vẫn tiếp tục diễn biến bất lợi như thời gian qua, lượng nước về các hồ thủy điện và tình hình cung ứng nhiên liệu than, dầu, khí cho các nhà máy điện không được cải thiện, hệ thống thống điện sẽ rơi vào tình huống nguy cấp và sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trong mùa khô 2023, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân", EVN nêu.
Trước tình hình này, EVN đề nghị PVN, PVFCCo, PVCFC ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện trong 2 tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6).
Trong đó, trước mắt xem xét cho ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5.
EVN cũng mong muốn được làm việc với các đơn vị trên thời gian từ ngày 16-17/5/2023 để thống nhất các phương án cung cấp khí.
Những ngày qua, tình hình thiếu điện đã khiến tình trạng cắt điện luân phiên xuất hiện ở một vài địa bàn. Tại họp báo thường kỳ Bộ Công thương ngày 18/5, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Trần Việt Hòa cho biết, bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo cung ứng nhiên liệu than, khí để phát điện. Ngay trong tháng 5, bộ đã tổ chức họp với các tập đoàn để có chỉ đạo cụ thể, với quan điểm nỗ lực cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các kế hoạch về cung cấp điện, cung cấp than cho phát điện, đàm phán nguồn điện gió, mặt trời chuyển tiếp để huy động nguồn điện, khắc phục các sự cố tại các nhà máy, thực hiện tiết kiệm điện… để giảm căng thẳng cung ứng điện.
Về huy động nguồn điện của các nguồn năng lượng tái tạo, ông Hòa cho biết đến nay Bộ Công thương đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chủ đầu tư thống nhất.
Trên cơ sở đó, khi các chủ đầu tư đáp ứng đầy đủ quy định thì sẽ huy động lên lưới. “Giá tạm thời chỉ là một yếu tố để đáp ứng tiêu chí về huy động nguồn điện lên lưới”, ông Hòa nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận