Đủ điều kiện cấp giấy phép
Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ: "Hiện có 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách, chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng".
IPP Air Cargo dự kiến khai thác các tàu B737/B777/A330 và tương đương
Theo Bộ GTVT, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt 18% năm 2019 và giai đoạn 2020-2021 chỉ đạt 11% thị phần hàng hoá quốc tế. Hiện đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác tàu bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.
Thời gian qua, do số lượng các chuyến bay chuyên chở hành khách kết hợp hàng hoá giảm mạnh, trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt từ 3-4 lần. Thậm chí, có thời điểm, giá cước tăng 5-6 lần so với trước dịch Covid-19.
"IPP Air Cargo ra đời sẽ mang lại dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt và chất lượng cho khách hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành logistics Việt Nam, phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Dự kiến sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của IPP Air Cargo sẽ tăng dần trong các năm, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm dự kiến là 18-20%", Bộ GTVT thông tin.
Bên cạnh đó, với sự tham gia của Việt Nam vào “Bầu trời mở ASEAN” - hiệp định về tự do hóa vận tải hàng không có hiệu lực từ năm 2015 giúp xóa bỏ kiểm soát giá cước, tần suất và khả năng thực hiện các chuyến bay trong khu vực, tăng cạnh tranh và sự lựa chọn cho hành khách. Điều này tạo nhiều cơ hội cho IPP Air Cargo mở rộng thị trường, hội nhập trong khu vực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hãng.
“Theo đánh giá của Cục Hàng không VN, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa của IPP Air Cargo đảm bảo về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa được quy định tại Nghị định số 92 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không", Bộ GTVT nêu và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo.
Tốc độ tăng trưởng vận tải hàng hoá lên đến 15,3%/năm
Trong thời gian qua, giá cước vận chuyển hàng hóa từ các cảng hàng không tại châu Á đi Hoa Kỳ trước dịch trong khoảng 1,0 đến 1,8 USD/kg nhưng nhiều thời điểm trong năm 2020 và 2021 lên tới 8 USD/kg đến 10 USD/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 17-18 USD/kg.
Theo thông tin của Báo Giao thông, CTCP IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay trong năm đầu tiên, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 10 tàu bay. Chủng loại tàu bay sẽ đưa vào khai thác là B737/B777/A330 và các loại tàu bay tương đương.
Hiện DN này đã xây dựng bộ máy với các con người cụ thể, có bằng cấp theo yêu cầu và có nhiều năm kinh nghiệm công tác ở các vị trí then chốt như an toàn chất lượng, an ninh, kỹ thuật, khai thác, đào tạo, mặt đất, thương mại, tài chính. Công ty cổ phần IPP Air Cargo đã triển khai công tác tuyển dụng đội ngũ phi công, thợ kỹ thuật... nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động khai thác.
Cục Hàng không VN cho biết, hồ sơ xin cấp phép bay của IPP Air Cargo có đánh giá cụ thể về nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tại Việt Nam; tình hình thực tế thị trường vận chuyển hàng hóa hàng không nội địa, quốc tế; sức ép cạnh tranh; chiến lược phát triển mạng đường bay, đội tàu bay trong 5 năm đầu đi vào khai thác.
Mạng đường bay nội địa kết nối trung tâm sản xuất như: Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên (Lâm Đồng, Pleiku), Hải Phòng, Quảng Ninh... với trung tâm trung chuyển hàng hóa: Hà Nội, TP. HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, châu Âu.
Đánh giá về khả năng phục hồi của thị trường, Cục Hàng không VN thông tin: "Đối với thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, từ năm 1991, tổng thị trường hàng hóa Việt Nam đạt 18.384 tấn.
Qua hơn 30 năm phát triển, thị trường vận tải hàng hoá Việt Nam đã có bước tăng trưởng nhảy vọt với sản lượng năm 2021 đạt 1,3 triệu tấn và dự kiến đạt hơn 1,52 triệu tấn vào năm 2022, tăng gần 83 lần so với năm 1991 và 21,2% so với năm 2019. Tốc độ tăng trưởng bình quân trung bình cả thời kỳ 1991-2022 là 15,3%/năm".
Hiện Việt Nam có 5 hãng hàng không khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách và chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. Trong đó, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt 18% năm 2019 và giai đoạn 2020-2021 chỉ đạt 11% thị phần hàng hoá quốc tế.
Thời điểm hiện tại, thị trường hàng hoá quốc tế của hàng không Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác tàu bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận