Khi ban hành quy định, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã đánh giá tác động cũng như hiệu quả và tầm quan trọng của camera giám sát lắp trên xe kinh doanh vận tải.
Camera giám sát giúp kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải và ATGT của lái xe, phụ xe, chẳng hạn như đón trả khách không đúng nơi quy định, chở quá số người quy định và các hành vi gây mất an toàn của hành khách.
Khi biết mình bị giám sát, hành khách cũng không thể sử dụng “quyền năng của thượng đế” để ép lái xe phải thực hiện theo ý của mình.
Cả nước có khoảng 200.000 phương tiện kinh doanh vận tải thuộc diện phải lắp camera giám sát, tuy nhiên đến nay tại nhiều địa phương, tỷ lệ xe lắp đặt vẫn rất thấp. Ảnh: Tạ Hải
Camera giám sát giúp quản lý minh bạch, những người tham gia quá trình vận tải cũng phải xem xét lại hành vi của mình, khi họ có ý định vi phạm, biết mình bị giám sát thì sẽ tự điều chỉnh hành vi để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện kinh doanh vận tải.
Cùng với đó, khi không may xảy ra tai nạn hay va chạm, dữ liệu từ camera có thể sử dụng phục vụ điều tra nguyên nhân tai nạn.
Tác động của camera không chỉ là giám sát hiệu quả người điều khiển phương tiện mà còn giúp chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước quản lý tốt xe kinh doanh vận tải hoạt động trên đường.
Lợi ích là vậy, tuy nhiên thực tế cho thấy, tỷ lệ phương tiện kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera còn rất thấp.
Doanh nghiệp có thể phải bỏ ra chi phí ban đầu, đối với doanh nghiệp có nhiều phương tiện thì chi phí này không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Tuy nhiên, việc lắp camera giám sát sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp, giúp họ quản lý tốt nguồn nhân lực, xây dựng và củng cố được thương hiệu trên thị trường. Bên cạnh đó, sẽ ngăn ngừa được các vi phạm của lái xe, phụ xe. Khi không may tai nạn xảy ra do lỗi của lái xe, việc đền bù và các chi phí phát sinh còn lớn hơn nhiều chi phí lắp camera giám sát.
Nhìn tổng thể về kinh tế, việc lắp camera giám sát có thể là nguồn đầu tư ban đầu nhưng giá trị được mang lại kéo dài trong nhiều năm.
Quy định của Chính phủ đã được ban hành, không thể không thực hiện. Trước tiên, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp vận tải thấy và hiểu được tác dụng, lợi ích của việc lắp camera giám sát.
Khi Nghị định đã đi vào cuộc sống, lực lượng chức năng, cơ quan quản lý bến xe, cơ quan cấp giấy tờ về kinh doanh vận tải vừa vận động, vừa hướng dẫn và vừa bắt buộc đối tượng liên quan phải thực hiện.
Chúng ta quản lý, điều hành xã hội trên cơ sở các quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc quản lý thực hiện trên tinh thần tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp vận tải chung tay đóng góp vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng không để các hoạt động tự do gây mất an toàn cho trật tự xã hội và trật tự ATGT.
PGS.TS. Thượng tá Lê Huy Trí
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu ATGT, Học viện Cảnh sát nhân dân
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận