Thế giới

Tranh cãi Tổng thống Pháp muốn tìm danh phận cho vợ

10/08/2017, 07:25

Ở Pháp, không phải cứ là vợ Tổng thống sẽ mặc nhiên là đệ nhất phu nhân.

5

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sánh bước cùng phu nhân Brigitte

Ở Pháp, không phải cứ là vợ Tổng thống sẽ mặc nhiên là đệ nhất phu nhân, do đó việc tân Tổng thống trẻ tuổi của Pháp Emmanuel Macron muốn tìm một danh phận chính thức cho phu nhân đã làm dấy lên làn sóng phản đối của người dân và xôn xao dư luận. 

Tranh cãi rầm rộ

Quyết định cuối cùng về vị trí của phu nhân Tổng thống Pháp - bà Brigitte Macron sẽ được công bố trong nay mai, theo truyền thông Pháp. Tuy nhiên, ngay ngày hôm qua (9/8), người phát ngôn của Chính phủ Pháp Cristoph Castaner khẳng định, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ không thay đổi Hiến pháp trong đó có quy định phu nhân của Tổng thống không có địa vị chính thức nào, theo BBC. 

Sở dĩ ông Macron phải lập tức đưa ra phản ứng này vì dư luận Pháp đang rộ lên làn sóng phản đối mạnh mẽ việc xác lập vị trí vợ ông Macron để bà Brigitte Macron chính thức trở thành đệ nhất phu nhân. 

Ngay từ những ngày vận động tranh cử Tổng thống, ông Emmanuel Macron nung nấu ý định muốn xác lập một “địa vị thực sự” cho vợ vì muốn để bà Brigitte Macron “có tiếng nói về những việc bà muốn làm…”. Đặc biệt, ông nhấn mạnh cam kết không sử dụng công quỹ để trả tiền cho các hoạt động của bà. Hiện nay, Dinh Tổng thống Pháp để dành chi phí hoạt động của đệ nhất phu nhân ước tính khoảng 530.000 USD/năm.

Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận. Họa sĩ người Pháp Thierry Paul Valette đã khởi xướng bản kiến nghị trên trang web Change.org, yêu cầu không sử dụng công quỹ cho các hoạt động của bà Brigitte trên cương vị đệ nhất phu nhân. Bản kiến nghị đến nay đã có hơn 300.000 người ủng hộ.

Theo BBC, một số nhà phê bình khác chỉ trích động thái này của ông Macron là sử dụng vợ để cải thiện tỉ lệ uy tín và ủng hộ bị sụt giảm diễn ra sau một số cuộc khảo sát (khoảng 36%). Nhiều người khác mỉa mai Tổng thống Pháp muốn bắt chước kiểu mẫu của Mỹ. 

Một số nhà phê bình khác nhận định rằng, Tổng thống Pháp đang mâu thuẫn với chiến lược ông đề ra ngay khi vận động tranh cử là dẹp bỏ vấn đề gia đình trị trong chính trường Pháp, cam kết sẽ cấm các chính trị gia thuê người thân làm việc trong chính trường.

Chính trị gia Pháp Thierry Mariani ám chỉ Tổng thống Pháp qua một chia sẻ trên Twitter rằng: “Làm như tôi nói chứ đừng làm như tôi làm” và gắn thêm đường liên kết tới bài viết về đồn đoán Tổng thống Pháp muốn xác lập vị trí đệ nhất phu nhân chính thức cho vợ và tăng ngân sách chi tiêu. 

“Vấn đề không phải ở tăng ngân sách”

Theo Hiến pháp của Pháp, phu nhân của Tổng thống không có địa vị chính thức nào nhưng họ vẫn có một văn phòng riêng tại Điện Elysee, một hoặc hai trợ lý cùng nhiều cảnh vệ. Về bà Brigitte Macron, dù không có danh phận chính thức là đệ nhất phu nhân nhưng bà đang làm rất nhiều công việc để củng cố hình ảnh và địa vị của chồng.

Mỗi tuần, bà đều nhận và xử lý 150 lá thư từ người dân gửi về Điện Elysee. Bà cũng mong muốn dành những năm tháng trong nhiệm kỳ Tổng thống của chồng để giúp đỡ “thay đổi đời sống của người khuyết tật cùng thân nhân họ”.

Hình ảnh cựu giáo viên cần mẫn của bà rất được ưa thích và thu hút chú ý từ quê nhà tới toàn thế giới, góp phần nâng cao hình ảnh của phu quân.

Tạp chí Slate dẫn lời nhà báo người Pháp gốc Algeria Nabila Ramdani cho rằng, việc trao cho bà Brigitte Macron một danh phận và mở rộng thêm phạm vi công việc bà có thể tham gia không làm tăng ngân sách của Pháp dành cho phu nhân của Tổng thống. Thay vào đó, động thái này mang tính biểu tượng, là sự công nhận một phụ nữ chính trị có vị trí như thế nào chứ không phải mong muốn có thêm ngân sách dành cho phu nhân - nhà báo này nhận định. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.