TS. Lương Văn Khôi,Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia:
Thuận lợi hơn nhờ giá dầu giảm
Trong 6 tháng qua, giá dầu biến động mạnh từ ngưỡng 100 USD/thùng xuống còn 50 USD/thùng. Dự báo của Goldman Sachs (đưa ra tháng 1/2015), giá dầu trong ba tháng đầu năm ở ngưỡng 42 USD/thùng và mức trung bình cả năm 2015 ở ngưỡng 50,4 USD/thùng.
Giá dầu giảm tác động hai chiều đến nền kinh tế Việt Nam, kể cả ở ba kịch bản. Khi giá dầu giảm, giá đầu vào sẽ giảm, sẽ kích thích sản xuất trong nước, đóng thuế của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Khi giá dầu giảm, kinh tế thế giới cải thiện, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Mỹ, EU, Nhật Bản… tăng.
Trên thực tế, giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng nguồn thu từ khai thác dầu. Nhưng nhìn tổng thể, giá dầu giảm có lợi cho kinh tế Việt Nam.
Dự báo nếu giá dầu ở ngưỡng 50 USD/thùng, thì năm 2015, lạm phát giảm 1,14%; Thu thuế Chính phủ giảm 6.656 tỷ đồng; Dự trữ ngoại hối giảm 1,04 tỷ USD. Nếu giá dầu ở ngưỡng 40 USD, lạm phát sẽ giảm 1,11%, Chính phủ thất thu thuế 7.643 tỷ đồng; Dự trữ ngoại hối giảm 1,12 tỷ USD...
Từ cơ hội giá dầu giảm, Chính phủ cần có những chính sách thích hợp để giảm dần sự tập trung cao vào một thị trường Trung Quốc. Về ngắn hạn có thể chuyển hướng nhập khẩu sang các nước tham gia TPP. Về trung và dài hạn, cần có những chính sách khuyến khích đầu tư trong nước, phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, thu hút FDI từ những đối tác có trình độ phát triển khoa học - công nghệ cao. Chính phủ cũng nên trợ giúp về mặt tài chính, như bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chuyển hướng nhập khẩu tư liệu sản xuất tiên tiến, hiện đại từ những nước có công nghệ nguồn, tạo cú hích cho các doanh nghiệp trong nước tiến hành tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Song song với đó, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động và có giải pháp thích hợp nhằm mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; Tận dụng, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; Tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa:
Nền kinh tế đang phục hồi tốt
Năm nay, nền kinh tế sẽ thuận lợi hơn so với năm 2014, bởi 2014 là năm chúng ta đổi mới, cải cách tư pháp, cải cách hành chính mạnh mẽ nhất. Những khó khăn cơ bản của nền kinh tế cũng đã được giải quyết căn bản như: Ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát, đổi mới thể chế, mô hình tăng trưởng, thủ tục hành chính, tái cơ cấu ngân hàng, tài chính… Rồi hàng loạt các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm thuế, giảm lãi suất tín dụng, giảm thủ tục hành chính về thuế, hải quan, thủ tục về xây dựng cơ bản, sửa đổi các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu… Đó là cơ sở, tiền đề, thuận lợi cho năm 2015 phát triển.
Năm 2015, theo tôi, chúng ta vẫn đang phải đối mặt và cần giải quyết tốt một số tồn tại của nền kinh tế như nợ xấu đang tăng quá nhanh và với số lượng cao; Thị trường chứng khoán lên xuống mỏng manh; Bất động sản chuyển biến chậm; Biện pháp xử lý nợ xấu chưa đủ cơ sở pháp lý và nguồn vốn; Năng suất lao động thấp; Quản trị doanh nghiệp thấp, sức cạnh tranh của doanh nghiệp thấp…
Tuy nhiên, về cơ bản, năm 2015 nền kinh tế có nhiều thuận lợi hơn năm 2014, nên sẽ có cơ hội phục hồi tốt.
TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính):
Nếu tăng giá điện, lạm phát cũng vẫn khó vượt 2%
Năm nay dự báo CPI sẽ tiếp tục ở mức thấp, chỉ khoảng 2%. Lạm phát thấp vì các nguyên nhân tác động đẩy giá lên chưa có. Mức lạm phát này sẽ kéo dài trong một số năm và cũng nhiều khả năng sẽ là suốt giai đoạn 2016-2020.
Tháng 1, CPI đã âm, tháng 2, CPI cao lắm lên 0,5%, tức trung bình trong hai tháng đầu năm, CPI chỉ tăng cùng lắm 0,3%. Với chỉ số giá cả tiêu dùng này, việc tăng giá điện cũng có tác động một chút nhưng không ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng giá cả và lạm phát sẽ khó vượt mức 2%.
Lạm phát thấp sẽ tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài; Đảm bảo cho cân đối kinh tế ổn định và tạo điều kiện tốt để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế. Đồng thời, thị trường tiền tệ ổn định, tỷ giá ít biến động, áp lực trả nợ nước ngoài không tăng thêm do yếu tố tỷ giá. Nợ công vì vậy sẽ có thể được giữ trong giới hạn an toàn. Chính phủ có thể chủ động trong công tác huy động vốn cho đầu tư phát triển. Và giá cả thấp sẽ khuyến khích tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng tư nhân từ đó làm tăng nhu cầu, yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Tuy nhiên, lạm phát thấp cũng đem lại những thách thức không nhỏ, như thu ngân sách Nhà nước sẽ khó khăn. Chính phủ sẽ tiếp tục thiếu tiền cho đầu tư, trả nợ và thực hiện các nhiệm vụ cải cách và phát triển kinh tế - xã hội. Giá cả thấp cũng sẽ không khuyến khích đối với đầu tư nhìn từ phương diện hoàn vốn và thu lãi cao. Nếu lạm phát thấp kéo dài cộng thêm với thâm hụt ngân sách liên tiếp, rất dễ dẫn tới suy thoái kinh tế, hoặc hiện tượng lạm phát cao sẽ quay trở lại…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận